Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII họp phiên đầu tiên

Sáng 18/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên, cho ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021; về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 
Đón Tết Tân Sửu vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất đánh giá, năm 2021 là một năm đặc biệt, nhân dân đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các ngành, các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 44 của Thủ tướng Chính phủ, Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác chăm lo, tổ chức đón Tết Nguyên đán 2021 với nhiều hình thức phong phú và những việc làm thiết thực, tiết giảm các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Đảng, Nhà nước, sự chủ động của các cấp, các ngành đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động mọi nguồn lực để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, yên vui, nhất là tại vùng sâu, cùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực đang bị cách ly để phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trực Tết, các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, công nhân, người lao động không về quê đón Tết. Các hoạt động đón Tết vui Xuân được quan tâm tổ chức gắn với các hoạt động chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng.

 
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 
Hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Các ban, bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy đã nghiêm túc triển khai và cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không sử dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ, Tết.

Tình hình an ninh chính trị, chủ quyền biên giới biển, đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng, chống cháy nổ, phòng, chống tội phạm được chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 48 của Ban Bí thư, nỗ lực cố gắng, có nhiều biện pháp, sáng kiến, quan tâm, chăm lo tổ chức Tết Tân Sửu 2021 cho nhân dân vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng đón Tết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Nhìn tổng thể, không khí đón Tết vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, tự hào, qua đó động viên, khích lệ tinh thần yêu nước, khí thế phấn chấn vươn lên… Tuy nhiên, khó tránh khỏi khó khăn do tác động của dịch COVID-19, mặc dù đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Chúng ta đã cơ bản giữ được an toàn. Các kết quả đạt được, quan hệ đối ngoại tốt. Đại hội vừa rồi nhận được hơn 500 điện mừng của các tổ chức đảng, các nước trên thế giới, chưa có Đại hội nào các nước gửi nhiều điện mừng như vậy, sau đó lại điện đàm… Cho nên, đánh giá tình hình để tiếp tục chỉ đạo, động viên những nơi làm tốt, như công an, quân đội, y tế, đối ngoại, tôn giáo… đều có những chuyển biến mới; đồng thời phải rút kinh nghiệm những nơi còn thiếu sót, khiếm khuyết để sửa chữa, khắc phục kịp thời”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm nay có nhiều sáng kiến như dừng bắn pháo hoa, nhưng lại đưa lên truyền hình cả nước đều xem, không phải đi ra ngoài. Hay như giáo dục, tạm thời các cháu không đến trường, tổ chức học trực tuyến. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện học trực tuyến, nhất là vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi, cho nên mọi việc phải tính toán cụ thể. Từ trong khó khăn nảy ra sáng kiến, rồi tìm biện pháp cho thiết thực, hiệu quả, không chủ quan, không thỏa mãn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Tổ chức thành công Cuộc bầu cử, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN 
Về nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; nâng mức cảnh giác cao nhất đối với COVID-19; huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2021; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhất trí cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung triển khai công tác học tập, phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, ngay từ đầu năm 2021. Trước mắt, sớm trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Văn phòng Trung ương Đảng khẩn trương phối hợp với các cơ quan giúp Bộ Chính trị xây dựng Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chương trình làm việc năm 2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chuẩn bị sớm các nội dung phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2, khóa XIII; xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; Chương trình đối ngoại năm 2021 của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước…

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cần khái quát những vấn đề lớn, những việc cần thiết phải làm ngay, không nên vui Tết kéo dài, ngủ quên trên thắng lợi, mà các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào công việc. Trước hết là phải triển khai thật tốt việc thực hiện các chủ trương Đại hội đã đề ra, tổ chức học tập quán triệt, từng cơ quan, từng cấp, ngành, đơn vị đều phải xây dựng chương trình hành động của mình cho năm 2021, trước mắt là quý I. Tất cả đều phải làm, từ trên xuống, không chỉ Chính phủ mà từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đại hội, của Trung ương, của địa phương, từ đó đề ra chương trình hành động cụ thể. Đại hội thành công mới là một bước, phải cụ thể hóa, thể chế hóa, đưa vào thực tế cuộc sống, ưu điểm thì phát huy, thiếu sót thì chấn chỉnh, khắc phục. Trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sắp xếp tổ chức, kiện toàn cán bộ, kể cả chế độ, chính sách với các đồng chí đã nghỉ hưu…”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau Tết, các cấp, các ngành tập trung ngay vào chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt công tác đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng ý về chủ trương mua vaccine phòng COVID-19

Sau khi nghe báo cáo về chủ trương mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19 và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều