|
Quang cảnh cuộc họp |
Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, các chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của các giáo hội, tích cực thực hiện công tác từ thiện nhân đạo, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước. Các hoạt động thuần túy của tổ chức cá nhân tôn giáo như: Ngày lễ, kỷ niệm, hội nghị thường niên, đại hội, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự luôn được các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng nhân dân.
Để tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, MTTQ các cấp đã phối hợp với các sở, ban ngành đã tổ chức quán triệt nghiêm túc nội dung Luật và Nghị định cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, cũng như cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng như các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.
Theo số liệu thống kê, tổng số cuộc triển khai Luật và Nghị định 162 cho cán bộ ở cấp tỉnh là 143 cuộc, với 24.000 người tham gia; cấp huyện là 937 cuộc, với 81.358 người tham gia; cấp xã là 6.168 cuộc với 295.027 người tham gia. Tổng số cuộc triển khai Luật và Nghị định 162 cho chức sắc, chức việc, tín đồ ở cấp tỉnh là 243 cuộc, với 31.333 người tham gia; cấp huyện là 978 cuộc, với 88.112 người tham gia; cấp xã là 4516 cuộc, với 228.401 người tham gia.
Bên cạnh đó, số cuộc giám sát Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban MTTQ chủ trì ở cấp tỉnh là 23 cuộc, với 34 kiến nghị, đề xuất của Mặt trận, số được giải quyết là 33 đề xuất, kiến nghị. Ở cấp huyện là 91 cuộc, với 154 kiến nghị, đề xuất của Mặt trận, số được giải quyết là 142 đề xuất, kiến nghị; ở cấp xã là 246 cuộc, với 333 kiến nghị, đề xuất của Mặt trận, số được giải quyết là 298 đề xuất, kiến nghị.
Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả triển khai của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP; việc tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong các chức sắc, đồng bào tôn giáo; việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo; việc tuyên truyền, vận động các tôn giáo thực hiện chính sách pháp luật tham gia giải quyết các điểm phức tạp về tôn giáo, hiện tượng tôn giáo mới...
Các ý kiến cũng tập trung làm rõ những nhiệm vụ trong thời gian tới để phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên của trong triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 của Chính phủ ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành chức năng quản lý tốt hơn về hoạt động tôn giáo, đồng thời là cơ sở để MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Định kỳ hàng năm, các cơ quan làm công tác tôn giáo ở Trung ương và địa phương đều tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo.
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị các ban, đơn vị liên quan cần tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo, từ đó tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực báo cáo cần nêu rõ những kết quả cụ thể mà Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là những kết quả tiêu biểu của của Mặt trận các tỉnh, thành phố sau 3 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP. Trên cơ sở những kết quả đạt được, báo cáo phải đánh giá được và làm rõ vai trò chủ động, tích cực của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về công tác tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như trong triển khai, thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo cần tập trung làm rõ những hạn chế và nguyên nhân để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo, tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần bám sát vào các nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Luật để tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân hiểu rõ, thực hiện phương châm sống "Tốt đạo, đẹp đời", chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, MTTQ phát động.
"MTTQ và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp xúc, đối thoại và lắng nghe ý kiến, tâm tư của đồng bào các tôn giáo để giải quyết kịp thời những điểm nóng phát sinh; tiếp tục huy động sự tham gia của các lực lượng trong giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; việc thực hiện các quy định của pháp luật để đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc", Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở.
Hương Diệp