|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc ĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phiên họp chiều 11/11 và sáng 12/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tại phiên chất vấn đã có 26 đại biểu chất vấn, 9 đại biểu tranh luận (đã có 7 đại biểu được trả lời còn 2 đại biểu là đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội và Nguyễn Quốc Hận - đoàn Cà Mau chưa được trả lời do hết giờ).
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực kế hoạch đầu tư sôi nổi, mang tính xây dựng, có trách nhiệm cao. Đặc biệt, các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trúng, đúng, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực mình phụ trách, trả lời và giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn rất rõ ràng, thẳng thắn.
Với tinh thần trách nhiệm, Bộ trưỡng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn, những câu trả lời đều có đề xuất hướng xử lý, những giải pháp trong thời gian tới. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực kế hoạch đầu tư còn có sự tham gia có các Bộ trưởng Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời, làm rõ những vấn đề liên quan tới lĩnh vực mình phục trách, giải trình thêm những vấn đề đến lĩnh vực kinh tế, tiền tệ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sau kỳ họp này, Bộ trưởng cần tham mưu cho Chính phủ sớm có những giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sớm có kế hoạch, thủ tục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên tinh thần tuân thủ thứ tự ưu tiền, khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, giàn trải để hạn chế những tiêu cực.
Thời gian qua, quy mô đầu tư của chúng ta còn thấp, mới chỉ đạt 4% hỗ trợ bằng GDP, chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, các địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều dự án quốc gia bị chậm tiến độ, có khó khăn vướng mắc về tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn này, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa những ý kiến của đại biểu Quốc hội, khắc phục những hạn chế, tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau:
Một là, năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với bộ ngành liên quan, triển khai chương trình tổng thể phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 để gắn với khung khổ đầu tư trung hạn, kế hoạch đầu tư ngân sách, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế… Những khung khổ 5 năm (2021-2025) đã được Quốc hội quyết định từ kỳ họp trước.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần có kế hoạch, thiết kế các chương trình phục hồi sau đại dịch với những chương trình cụ thể. Xây dựng gói kích thích kinh tế bằng tài khóa, tiền tệ. Phải chú trọng tổng cung và tổng cầu, không chỉ phục hồi kinh tế mà cả phục hồi xã hội.
Gói kích thích tổng thể phục hồi nền kinh tế và xã hội, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ trên cơ sở bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Có lộ trình phù hợp đồng thời phải có trọng tâm trọng điểm, có tính khả thi cao, đầu tư vào những nơi có độ hấp thụ được vốn để đảm bảo có hiệu quả.
Đồng thời phải có quản lý rủi ro, phân bổ nguồn vốn công khai minh bạch, chống tiêu cực. Chính vì vậy chương trình phải được đánh giá sâu sắc toàn diện sau đại dịch. Dựa vào kinh nghiệm chúng ta đã có được sau những lần chống dịch trước để có thêm kinh nghiêm, học hỏi kinh nghiệm thế giới. Gói kích thích kinh tế này phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Hai là trong lĩnh vực đầu tư công: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Chính phủ đánh giá đúng tình hình, xác định rõ và phân bổ vốn, quyết toán đúng. Sau kỳ họp này, Ủy ban Tài chính Ngân sách sẽ có phiên điều trần về việc phân bổ vốn, giải ngân vốn ngân sách, nhất là đầu tư công. Cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả phấn đầu phân bổ giải ngân vốn đầu tư công 2021 đạt 90%, năm 2022 đạt 100% theo dự toán Quôc hội giao.
Ba là đối với thể chế chính sách, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Chính phủ sớm có quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành. Chậm nhất ngày 31/12/2022 phải hoàn thành quy hoạch quốc gia; lưu ý quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phải xong trước tháng 12/2021. Đồng thời khẩn trương chủ trì trình Quốc hội tách các dự án đầu tư mà Quốc hội có ý kiến.
Bốn là, chuẩn bị các dự án đầu tư, dự án trọng điểm cần chuẩn bị kỹ lưỡng đúng quy trình và phải có ý kiến của Kiểm toán nhà nước. Những dự án trọng điểm quốc gia chuẩn bị đúng quy trình, cân nhắc đến tính khả thi, huy động vốn. Có lộ trình, đồng thời tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Viết Tôn/Báo Tin tức