|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: Lâm Hiển |
Cùng đi có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn công tác thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tưởng niệm Bác Hồ. Ảnh: Lâm Hiển |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quốc hội ta đã hết lòng vì nước, vì dân, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu nhân dân. Trong nhiều năm qua, nhất là trong năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, Quốc hội đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, có nhiều hoạt động đổi mới to lớn, phục vụ sự phát triển của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân.
Với lòng biết ơn vô hạn, kính trọng sâu sắc và tự hào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn công tác nguyện mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người; tiếp tục nỗ lực đổi mới hơn nữa hoạt động của Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.
|
Ảnh: Lâm Hiển |
+ Tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Lâm Hiển |
Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác nguyện tiếp tục đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Lâm Hiển |
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, là nút giao thông rất quan trọng trong thời kỳ chiến tranh, bị đế quốc Mỹ đã ra sức đánh phá nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch, chặn đứng sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc cho miền Nam.
Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10.1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng hy sinh trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tuyến đường kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước để nhanh chóng thông tuyến đường sau khi bị địch đánh phá dữ dội. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989; được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 9.12.2013.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: Lâm Hiển |
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn là cung đường độc đạo, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho miền Nam. Để hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ đã trút xuống khu vực này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh., tiêu biểu là sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” Anh hùng. Truông Bồn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là biểu tượng của Thanh niên xung phong Việt Nam - nơi lưu giữ vẹn toàn các giá trị sống của một thế hệ thanh niên quyết hy sinh tất cả cho độc lập, tự do của Tổ quốc, viết lên huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX. Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12.1.1996.