Công tác dân tộc - nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách

Chiều 6/6, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh là "tư lệnh ngành" thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/6

 
Việc thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều khó khăn

Trước khi bắt đầu trả lời các câu hỏi của ĐBQH, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số cùng với sự vào cuộc các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt; sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực cũng như một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu tích hợp các chính sách thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm đủ nguồn lực, tập trung đầu tư cho sản xuất trọng điểm cho các vùng khó khăn, nhất là cho các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập. Đơn cử như hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và một số chính sách, mặc dù đã được ban hành nhưng việc triển khai các văn bản hướng dẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra, các chính sách chậm được triển khai, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước cũng đã gửi đến Ủy ban Dân tộc một số nội dung đề nghị trả lời chất vấn, trong đó có 4 nội dung lớn, Ủy ban Dân tộc đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội. “Tại phiên chất vấn hôm nay, Ủy ban Dân tộc xin trân trọng tiếp tục lắng nghe, giải trình và tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.

Khắc phục tình trạng du cư, dư canh tự phát

Trong Báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực dân tộc tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Giai đoạn 2016 - 2020, đã hỗ trợ được 9.523 hộ đất ở với diện tích 72ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283ha; 21.233 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó số hộ được hỗ trợ nghề nông nghiệp là 20.670, nghề phi nông nghiệp là 559, nghề khác là 4 hộ. Thông qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ dư cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.

Từ năm 2021, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được quy định tại dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được quy định tại dự án 2 của chương trình. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được nâng lên, cụ thể như: các hộ được hỗ trợ đất ở sẽ được ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng/hộ; các hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất được NSTW hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, dư canh tự phát, chặt phá rừng còn một số khó khăn, tồn tại như: mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng do nguồn lực được phân bổ rất hạn chế nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/6

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, nguồn vốn đã được phân bổ; nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triể. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể đối với việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, do đó các địa phương khó khăn trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đời sống và sản xuất của một bộ phận người di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).

Mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do; hoặc do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích…

Về giải pháp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, báo cáo cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải ngân nguồn vốn, thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Đối với cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP trong đó bổ sung cơ chế đặc thù và quy trình, thủ tục thanh quyết toàn theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại thông báo kết luận số 50/TB-VPCP ngày 22.2.2023 của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Tờ trình số 3931/TTr-BKHĐT ngày 25.5.2020 về việc trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bố sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP.

 

Theo Thanh Chi/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều