|
|
Phát biểu định hướng một số nội dung trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, là nền tảng trụ cột cho sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội. Nhận định này đã được kiểm chứng qua các giai đoạn của lịch sử đất nước, đặc biệt là qua biến cố đại dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân đang là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại đáng sống mà người dân là chủ thể. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM), trong những năm qua, với trách nhiệm đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, MTTQ Việt Nam đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó vận động nhân dân tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Để có cơ chế thực hiện chương trình xây dựng NTM thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Đảng đoàn, Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. UBTƯ MTTQ Việt Nam ký Nghị quyết Liên tịch với Chính phủ về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Trong các văn bản lãnh đạo của Đảng, các Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và trong các kế hoạch, chương trình hành động của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều khẳng định: ngoài nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng NTM thì MTTQ Việt Nam cần tăng cường công tác giám sát thực hiện xây dựng NTM góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về cơ chế cần thiết để MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay là gì; các nội dung, lĩnh vực giám sát.
Thảo luận về các điều kiện và các nguồn lực đảm bảo gồm nguồn lực về cán bộ, con người; điều kiện kinh phí và các phương tiện hỗ trợ… để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát. Trao đổi về những khó khăn vướng mắc trong giám sát xây dựng nông thôn mới. Trao đổi một số cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức giám sát xây dựng nông thôn mới của địa phương làm cơ sở để các địa phương có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
“Mục đích của toạ đàm là thông qua các ý kiến trao đổi, tập hợp những vấn đề từ thực tiễn, hiệu quả cách làm từ cơ sở để biên tập lại thành những mô hình, những điển hình hay. Đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với chính phủ với các bộ ngành để có cơ chế giải quyết những khó khăn vướng mắc cho hệ thống Mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ giám sát trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về công tác kiểm tra, giám sát của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới.
Đại diện Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang cũng chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thanh Tiến