Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì Hội thảo.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, 92 năm qua, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, việc lãnh đạo, định hình, phát triển và hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam được thực hiện với ba trụ cột: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Hội thảo là cơ hội để Đảng bộ thành phố được lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, những kết quả, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ mang tính lý luận và thực tiễn, góp phần tham mưu, đề xuất với Trung ương tiếp tục hoàn thiện và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để khôi phục, phát triển kinh tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Thành phố đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chính sách đối với người có công cách mạng…
Đặc biệt, hiện nay, thành phố đang tập trung phối hợp với các cơ quan Trung ương tích cực triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố, lập Quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tập trung khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại đã được chỉ ra qua các kết luận kiểm tra, thanh tra, bản án… Đây chính là những định hướng, cơ sở, nền tảng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển thành phố nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo lần này có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Hội thảo hướng tới làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả tham dự đã đóng góp 11 ý kiến tâm huyết xoay quanh nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Hội thảo lần này đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến hay, phong phú. "Chúng ta được thừa hưởng thành quả của một năm đổi mới khi có sự tham gia của các phương thức lãnh đạo của Đảng; các phương thức đổi mới đã đem lại kết quả trong nhiều lĩnh vực. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng kịp thời ban hành nhiều chủ trương, đường lối, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, phát huy dân chủ, đổi mới phong cách lề lối làm việc; tăng cường công tác tuyên truyền không chỉ trong cán bộ đảng viên mà còn trong nhân dân, để đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống", Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy chính trị, công tác kiểm tra giám sát trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả. Do đó, cần tiếp tục làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới, mang lại kết quả như mong muốn; qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Đánh giá cao 11 ý kiến của các đại biểu đưa ra, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, nhiều ý kiến hay, đề xuất cụ thể về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Ý kiến của các đại biểu sẽ được tập hợp thành một đề án, trình ra Trung ương để tiếp tục xem xét cho ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện đề án.
TTXVN