ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh về sự cần thiết ổn định của quy hoạch.
Đa số ĐB cho rằng với việc ban hành Luật Quy hoạch (sửa đổi) sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch; xóa được khoảng trống pháp lý, xung đột pháp luật gây khó khăn vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh về sự cần thiết ổn định của quy hoạch. ĐB dẫn chứng mấy chục năm qua, thành công của một số lĩnh vực là nhờ quy hoạch đúng như: hàng không, công nghệ thông tin, điện lực,… Bên cạnh thành tựu đó, nhiều tiêu cực phát sinh từ việc quy hoạch đúng nhưng sau đó phá hỏng, làm cho méo mó đi, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích tức thời. “Quy hoạch đúng, quy hoạch hợp lý và có từng bước điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa lợi ích, chứ không phải điều chỉnh theo giải pháp tình thế, do đó, khi sửa luật phải quán triệt yêu cầu này”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Chung quan điểm, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.
ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng, xác định lại khái niệm quy hoạch xây dựng tại khoản 30 Điều 3 của Luật Xây dựng để thu hẹp nội dung của quy hoạch xây dựng với tính chất là quy hoạch chuyên ngành. “Phải làm rõ phạm vi đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng thì mới xác định mối quan hệ của quy hoạch xây dựng với các quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và quy hoạch tỉnh”, ĐB Vinh nhấn mạnh.
Theo Lê Phương/Báo Lao động