Gặp mặt 55 đại biểu điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân chất độc da cam”

Chiều 27/12, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gặp mặt 55 đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội điển hình tiên tiến “Vì nạn nhân chất độc da cam” lần thứ IV, giai đoạn 2021-2026.
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh)

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc đến tất cả nạn nhân chất độc da cam và gia đình cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam trên cả nước về nỗi đau, mất mát to lớn do hậu quả nặng nề của chất độc hóa học gây ra. Đồng chí khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn xã hội đặc biệt quan tâm công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả chiến tranh hóa học nói riêng và đã đạt được kết quả khá tích cực, song chưa thể đáp ứng, bù đắp và xoa dịu cho hết những nỗi đau, sự hy sinh, mất mát của các thế hệ chiến sĩ, người hoạt động cách mạng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam trong những năm qua...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, giải quyết và khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính nhân đạo sâu sắc, là trách nhiệm của toàn xã hội, nhằm tri ân đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh)

 Vì vậy, đồng chí mong muốn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, phát huy đạo lý truyền thống của dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tiếp tục có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Kêu gọi các cá nhân và tổ chức quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hãy đồng lòng, hành động, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh nói chung, chiến tranh hóa học nói riêng trong tương lai ở bất kỳ quốc gia nào. Chung sức đóng góp kịp thời, mọi mặt về vật chất, động viên về tinh thần đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; thắp sáng lên tình nhân ái quốc tế, cộng đồng.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Duy Linh)

 Đồng thời, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, triển khai Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, làm hết trách nhiệm để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước giúp nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện hòa nhập cộng đồng, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”. Tạo điều kiện về mọi mặt để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong tình hình mới, để Hội phát huy kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, quan tâm, chăm lo bằng nhiều hình thức thiết thực hơn nữa, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam...

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dionxin Việt Nam báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Duy Linh) 

Tại buổi gặp mặt, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thay mặt đoàn đại biểu cũng như hơn ba triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời, đề nghị Quốc hội quan tâm đến việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội và chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam ngày càng hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân và gia đình nạn nhân có cuộc sống tốt hơn.

Đến nay, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập tại Trung ương và 40/63 tỉnh, thành phố; với hơn 3.000 tỷ đồng ủng hộ. Tính riêng trong 10 năm thực hiện phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, toàn quốc đã vận động được 2.800 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật). Số tiền vận động được, các cấp hội quản lý chặt chẽ, minh bạch và trực tiếp giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân sửa chữa, làm nhà mới, hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật, trợ cấp học bổng... giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, có nhà ở và ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Theo NHẬT ANH/Báo Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều