|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận ở tổ chiều 29/10/2021. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Quy hoạch đất “treo” khiến nhiều người dân bức xúc
Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong dự thảo lần này Chính phủ đã quy định rất rõ về cơ cấu đất, bao gồm cả đất phi nông nghiệp, đất công nghiệp, đất dành cho quốc phòng an ninh; đặc biệt là tăng quỹ đất cho quốc phòng, an ninh. Đây là một trong những điểm sáng trong phần quy hoạch.
Mặc dù vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội vẫn lo lắng làm sao phải giải quyết được bài toán trong quy hoạch sử dụng đất đô thị và đất nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng: "Do sự phát triển quá nóng của các đô thị cho nên công tác dự báo, quy hoạch đất của nhiều địa phương chưa ổn dẫn đến câu chuyện quy hoạch treo rất nhiều. Từ quy hoạch treo dẫn đến sự lãng phí trong sử dụng đất, tài nguyên đất và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, và từ đó dẫn đến câu chuyện khiếu nại, khiếu kiện kéo dài”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho rằng, từ việc quy hoạch treo dẫn đến câu chuyện có những bà mẹ Việt Nam anh hùng khi đến điểm tiếp xúc cử tri phản ánh: Đời tôi, đời con tôi, cháu tôi vẫn sống trên mảnh đất quy hoạch đó. Vậy là đất đã quy hoạch thì không được phép xây dựng nhà cửa, không được trồng trọt cây lâu năm mà chỉ được ở tạm thời. Con tôi, cháu tôi sinh ra và lớn lên vẫn sống ở mảnh đất đó nhưng vẫn không có chiến lược giải tỏa.
“Vậy bài toán quy hoạch đó như thế nào, đã có rất nhiều hệ lụy xảy ra” đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất quốc gia là cơ sở tốt trong việc sử dụng đất, từ đó giải quyết được bài toán đồng bộ với quy hoạch, hạn chế đến mức thấp nhất quy hoạch treo.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận tại tổ chiều 29/10/2021. |
Hạn chế chuyển đất “bờ xôi ruộng mật” sang mục đích khác
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề lớn, chủ trương của Nhà nước là giữ ổn định ở mức 3,5 triệu ha. Trong quy hoạch đề ra 3.568.000 triệu ha (cao hơn 68 nghìn ha so với mục tiêu) là định hướng tốt. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất vừa có nguyên tắc phải chuyển đổi trở lại diện tích đất trồng lúa nhưng đồng thời cũng vừa phải linh hoạt, dựa vào điều kiện, đặc điểm của từng vùng, địa chất từng nơi.
Nhiều ĐBQH cho rằng, cần hạn chế mức thấp nhất đất nông nghiệp "bờ xôi ruộng mật" chuyển thành các khu công nghiệp, đất đô thị.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, bây giờ đi dọc quốc lộ 1A, đặc biệt là Quốc lộ 1A (cũ) rất nhiều đất "bờ xôi ruộng mật" trước đây là những cánh đồng trồng bạt ngàn cây nông, lâm nghiệp, thì bây giờ thành đất khu công nghiệp nhưng vẫn không phát huy tác dụng. “Cho nên trong quy hoạch sử dụng đất lần này cần phân định rõ đất nông nghiệp, đất khu công nghiệp, sử dụng ra sao cần tính toán kỹ”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lấy ví dụ, đối với vùng Tây Nam Bộ thì phải phân loại, quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở gắn với tài nguyên nước, đất ở vùng nước mặn, đất ở vùng nước lợ và đất ở vùng nước ngọt. Như vậy, đất vùng nước ngọt thì trồng lúa, vùng nước mặn thì chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, nước lợ thì có thể một vụ tôm, một vụ lúa. Đặc biệt, việc chuyển đổi diện tích đất “bờ xôi ruộng mật”, đất hai vụ lúa thì phải hết sức hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phải kiểm soát rất nghiêm ngặt. Các nước phát triển cũng rất quan tâm đến việc giữ loại đất này.
Về đất khu công nghiệp, Quy hoạch đề xuất gia tăng khá lớn so với quy hoạch trong giai đoạn vừa qua, khoảng 120 nghìn ha. Trong khi đó, quy hoạch hiện hành mới chỉ thực hiện được 47. Dư địa dành cho đất công nghiệp thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài vì đây là đất phục vụ hạ tầng cho sản xuất, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, tăng sản lượng công nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, ngân sách nhà nước, tăng trưởng GDP…
“Tuy nhiên, cũng phải rà soát rất kỹ lưỡng, tránh tình trạng hợp thức hóa việc điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ cần có báo cáo bổ sung về nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện nay có tình trạng một số khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 70% nên theo quy định thì không được mở khu công nghiệp mới. Chính sách này có mặt tích cực để kêu gọi đầu tư nhưng cũng có yếu tố cứng nhắc, lẽ ra với những khu công nghiệp không hiệu quả thì phải tính toán việc chuyển đổi để mở ra các khu mới hiệu quả hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, số liệu trên thực tế và số liệu trong Quy hoạch cần tiếp tục rà soát, còn có độ “vênh” nhau do cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, do tầm nhìn Quy hoạch rất dài nên theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần định kỳ rà soát số liệu và nếu cần thiết có thể trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch, không phải Quốc hội thông qua một lần là “đóng đinh” vào mà có thể điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới, tư duy mới trong các giai đoạn phát triển tới đây.
Về giải pháp thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lần này phải nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi toàn diện Luật Đất đai và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai giống như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay. Ngành tài nguyên phải số hóa mạnh mẽ hơn nữa. Thể chế pháp luật về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là hai vấn đề quan trọng nhất. Nghị quyết của Quốc hội cũng cần nêu các vấn đề này.
Theo Viết Tôn/Báo Tin tức