Trình bày tóm tắt nội dung đề tài, TS Phạm Thị Hồng - Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, trong gần 10 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về đất đai đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức được bảo đảm tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với một số luật khác trong hệ thống pháp luật đã làm nảy sinh nhiều tranh chấp, mâu thuẫn, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài nhiều năm... ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng mất ổn định, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Những năm gần đây các khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai như các quy định trong việc sử dụng đất, về bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Chính vì vậy, hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai năm 2013 còn hạn chế, chưa thực sự tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Từ thực tế đó, cần thiết có nghiên cứu để đánh giá một cách khách quan, toàn diện hiệu quả, hiệu lực các quy định của Luật Đất đai năm 2013, những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp toàn diện, đồng bộ bảo đảm các quy định của Luật có tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài tập trung rà soát, phát hiện và hệ thống những quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu thống nhất, đồng bộ, liên thông đang tạo ra những vướng mắc, bất cập, những điểm nghẽn, rào cản phát huy giá trị của đất đai nói chung, quyền sử dụng đất nói riêng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đề tài cũng tập trung nghiên cứu ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những bất cập về khung giá đất; kinh tế, tài chính đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh, chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo... Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất các quan điểm, giải pháp, nội dung sửa đổi Luật Đất đai, chú trọng các quy định cụ thể của Luật Đất đai về quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức để đồng bộ với hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay và đáp ứng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai năm 2013 và giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân” là cần thiết, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao. Với việc nghiên cứu, chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai năm 2013, đề tài đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Từ ý kiến của nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản biện để bổ sung, hoàn thiện Đề tài đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra.