|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị |
Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Nhà nước về NVNONN; Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào (UBTƯ MTTQ Việt Nam); Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; các đại biểu là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX là người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo hội đoàn người Việt Nam tại các điểm cầu ở các châu lục.
Kiều bào hướng về quê hương, đất nước với nhiều hoạt động thiết thực
Thông tin kết quả công tác vận động, tập hợp, đoàn kết NVNONN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; thường xuyên nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng, với Đảng, Nhà nước và Quốc hội; tham gia xây dựng, rà soát bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NVNONN, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; vận động người Việt Nam ở nước ngoài tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương đất nước...
|
Quang cảnh Hội nghị |
Đặc biệt, trước những khó khăn mà bà con kiều bào đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao có văn bản về việc hỗ trợ người Khmer gốc Việt và trao số tiền hỗ trợ 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao để hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19; triển khai, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài; cùng chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng NVNONN.
Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, phát huy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, mặc dù bà con kiều bào còn đang gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn hướng về quê hương, đất nước và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 cũng như hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước.
“Từ khi phát động cho đến tháng 8 năm 2021, các tổ chức, các nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền gần 60 tỷ đồng; kiều bào đã gửi qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội chữ thập đỏ và trực tiếp gửi tới bà con gặp khó khăn do mưa bão tại miền Trung trên 30 tỷ đồng cùng rất nhiều hiện vật thiết yếu”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài thông tin.
|
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội nghị |
Cũng theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, trong những ngày qua, cộng đồng người Việt Nam với gần 30 tổ chức, hội nhóm tại Hoa Kỳ, Canada, Pháp… đã phát động chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” và “10.000 liều vaccine cho Việt Nam”; ông David Dương, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đã trao tặng 250 máy trợ thở cho Chính phủ Việt Nam; Ông Trần Ngọc Phúc - nhà sáng lập kiêm chủ tịch và tổng giám đốc Metran, đồng thời là chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, người phát minh máy hô hấp nhân tạo tần số cao Hummingbird, máy thở MV20 đã ủng hộ trong nước triển khai dự án hỗ trợ 2.000 máy thở MV20 đưa về Việt Nam phục vụ chống Covid-19. Luật sư Võ Đức Duy, việt kiều ở Mỹ đã đàm phán mua 500.000 lọ vaccine Moderna tặng cho người dân thành phố Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX là người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vận động kiều bào hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đặc biệt là hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại bão lũ, cũng như tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong cộng đồng nhằm củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến: Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã cùng cộng đồng NVN tại Séc ủng 500 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch và tích cực hỗ trợ cho công tác chống dịch của chính quyền CH Séc; Ông Trần Bá Phúc, tại Australia, cùng Ban vận động ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 ủng hộ được 430 triệu đồng; Hội người Việt Nam tại Nga do ông Đỗ Xuân Hoàng làm Chủ tịch đã vận động quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 1 triệu Ruble (13.750 USD); Bà Phan Bích Thiện, Ủy viên tại Hungary, đã trao tặng 100 triệu đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19; Ông Châu Văn Chi, Ủy viên tại Campuchia đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí địa điểm nơi ở, hỗ trợ kinh phí cho bà con di dời khỏi Biển hồ TonleSap ổn định cuộc sống; Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) tổ chức nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp đến tặng quà, hỗ trợ trực tiếp các khu cách ly, bệnh viện và nơi tuyến đầu biên giới; Ông Peter Hồng, Ủy viên Ủy ban, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân VNONN đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ Ngoại giao đề xuất cơ chế để kiều bào tham gia đàm phán mua vắc xin. Thông qua hệ thống Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã vận động được hơn 25 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19; … Ngoài ra còn rất nhiều việc làm tâm huyết, hiệu quả mà các vị Ủy viên đã triển khai, song trong khuôn khổ và thời lượng hạn hẹp của báo cáo này không thể kể hết được.
“Có thể khẳng định, các UVUB đã làm tốt vai trò là nòng cốt đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của các UVUB nói riêng đã góp phần vào công cuộc phòng chống Covid-19, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là những việc làm hết sức thiết thực góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khẳng định.
Những ý kiến tâm huyết của kiều bào hiến kế cùng Mặt trận
|
Đại biểu tham dự tại các điểm cầu |
Tại Hội nghị, các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX và đại diện một số Hội, đoàn tập trung thông tin về những kết quả nổi bật trong công tác đoàn kết, tập hợp, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, nhất là những việc làm thiết thực trong công tác phòng, chống dịch ở nước sở tại; đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, sáng kiến, ý tưởng để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp phản ánh tới Đảng, Nhà nước, và các cơ quan chức năng để Việt Nam cùng đầy lùi đại dịch, sớm mang lại sự bình yên cho nhân dân.
Tại điểm cầu Hungary, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary vui mừng chia sẻ, hội nghị trực tuyến là cơ hội rất tốt để kiều bào gặp nhau, trao đổi trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Phan Bích Thiện, tại Hungary, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện sớm hơn, gây nhiều khó khăn cho nước sở tại cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Hungary. Trước tình hình đó, Chính phủ Hungary đã thiết lập các biện pháp hạn chế, tăng cường thực hiện giãn cách xã hội, khiến người dân hoang mang, nhiều bà con chưa thành tạo tiếng sở tại nên rất bất tiện trong đời sống sinh hoạt.
Trong tình hình khó khăn ấy, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đã tích cực giúp đỡ các hội viên và bà con nước sở tại bằng nhiều hoạt động thiết thực như thành lập các nhóm Viber để phổ biến đến bà con về các thông tin quan trọng của công tác chống dịch của Chính phủ nước sở tại, đồng thời tổ chức vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm đến trước cửa nhà các bệnh nhân là F0 đang tự điều trị tại nhà, thường xuyên trò chuyện trực tuyến, động viên bà con cũng như hỗ trợ kịp thời người dân nếu tình hình sức khỏe trở nặng, quyên góp ủng hộ các cơ sở y tế của nước sở tại. Hội cũng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ cho người dân TP. HCM và các tỉnh phía Nam, đến nay đã được hơn 20.000 euro.
Bà Phan Bích Thiện mong muốn, MTTQ Việt Nam sẽ đẩy mạnh tổ chức thêm nhiều diễn đàn cho thế hệ trẻ được giao lưu, học hỏi, phát huy thành quả từ những sáng kiến đóng góp của thế hệ trẻ cho công tác chống dịch của đất nước trong cuộc chiến chống dịch vừa qua. Đồng thời, mong muốn Chính phủ sớm có các quy định phù hợp để bà con đã được tiêm đầy đủ vaccine, có hộ chiếu vaccine có thể về thăm quê hương trong thời gian tới, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch, Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ. Hội cũng mong muốn Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục cải tiến thêm nhiều bộ sách giáo khoa điện tử để hỗ trợ trẻ em tại Hungary trong việc học trực tuyến.
|
Ông Đỗ Xuân Hoàng phát biểu từ đầu cầu tại LB Nga. |
Tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ, trên thế giới, Nga là nước có tỉ lệ người nhiễm và tử vong cao do Covid-19.
Hiện nay, tình hình xã hội tại Nga đã dần ổn định trở lại. Hệ thống y tế cũng dần thích nghi được sau áp lực của đại dịch gây ra.
Trong bối cảnh chung như vậy, cộng đồng người Việt Nam tại Nga đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên vượt qua khó khăn, bà con đã cùng nhau hỗ trợ, khôi phục kinh doanh, sản xuất, hội nhập. Trong đó, việc khôi phục giải bóng đá vào năm 2021 là một hoạt động cộng đồng nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, khẳng định thêm niềm tin của cộng đồng người Việt Nam tại Nga vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Hoàng, hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam, bên cạnh việc ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch ngắn hạn, vừa qua, dự án quyên góp dài hạn “Đồng lòng Việt Nam” đã được cộng đồng người Việt Nam tại Nga triển khai từ ngày 15/8, đến nay, số tiền ủng hộ đã lên đến khoảng 130.000 USD từ kiều bào sống tại 26 tỉnh, thành phố Nga.
Số tiền này sẽ phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Liên bang Nga sử dụng để mua vaccine hỗ trợ Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
|
Ông Trần Bá Phúc phát biểu |
Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia chia sẻ, dù ở xa quê hương nhưng cộng đồng người Việt Nam tại Australia rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở quê nhà.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam bà con kiều bào Australia luôn hướng về quê hương, đất nước và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 cũng như hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Ông Trần Bá Phúc cũng cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Australia đang nỗ lực vận động đối với Chính phủ Australia để viện trợ vaccine cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam ưu tiên mua vaccine được sản xuất tại Australia. Với trách nhiệm của mình Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia sẽ là cầu nối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận, đàm phán mua nguồn vaccine nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trong nước.
Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Australia, ông Trần Bá Phúc đề nghị MTTQ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ tiếp tục thúc đẩy việc tiêm phòng vaccine cho người dân để nhanh chóng có kế hoạch mở cửa trở lại cho bà con kiều bào được trở về thăm quê hương đặc biệt là mở trở lại những chuyến bay giữa Việt Nam với các quốc gia có đông bà con kiều bào đang sinh sống.
|
Ông Lương Xuân Hòa phát biểu ý kiến. |
Tại Hội nghị, ông Lương Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Udonthani chia sẻ, Thái Lan tuy không có đường biên giới với Việt Nam nhưng có người Việt Nam sang sinh sống tại Thái Lan sớm nhất.
Hiện nay, người Việt Nam tại Thái Lan có hơn 26 hội người Việt kiều và hiệp hội doanh nhân được thành lập, luôn đoàn kết, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về Tổ quốc bằng nhiều hoạt động thiết thực như thường xuyên đóng góp, ủng hộ lũ lụt, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, Hội luôn theo dõi từng giờ, từng phút qua thông tin truyền thông về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Khi Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, Hội đã công bố rộng rãi trong cộng đồng kiều bào biết và chung tay đóng góp gửi về Việt Nam, mong muốn Việt Nam sớm vượt qua khó khăn này, mở cửa đấy nước, xây dựng nền kinh tế, phát triển du lịch vững mạnh.
Ông Lương Xuân Hòa mong muốn, “kiều bào chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan, xa quê hương nhưng vẫn là người Việt Nam, cho nên luôn mong có được chứng minh thư, hộ chiếu như người dân trong nước”.
Hiện nay, Hội đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đào tạo thế hệ trẻ dưới 40 tuổi cùng trên 100 doanh nhân trẻ tham gia buôn bán, làm ăn với Việt Nam, thúc đẩy phát triển giao thương, du lịch với Việt Nam nhiều hơn nữa, cùng hướng đến mục tiêu người Thái Lan và người Việt Nam tại Thái Lan đều dùng hàng Việt Nam.
Ông Hoà bày tỏ mong mỏi MTTQ Việt Nam quan tâm hơn đến vấn đề này tại các khu vực biên giới từ Thái Lan qua Lào đến Việt Nam. Ông Lương Xuân Hòa cũng đề nghị được giúp đỡ về vấn đề duy trì Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, đặc biệt ở Thái Lan có hơn 22 chùa Việt vẫn tụng kinh như các chùa ở miền Bắc, Việt Nam; đồng thời mong muốn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ hỗ trợ các chùa Việt tụng kinh và dạy tiếng Việt cho các sư.
Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc chia sẻ, cũng như bao người con đất Việt khác, đều đã và đang rất lo lắng cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung khi những ngày qua con số lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên đáng lo ngại.
Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc đã, đang và sẽ cống hiến bằng tất cả khả năng của mình, để chung tay cùng chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Trần Hải Linh tin tưởng, đại đa số người dân đều đang quyết tâm, đồng lòng với chính quyền cùng các lực lượng để tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh và Việt Nam sẽ chiến thắng dịch như chúng ta đã từng.
Với quyết tâm đó, ông Trần Hải Linh đề xuất, tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, muốn người dân chấp hành nghiêm việc “ai ở đâu ở yên đó” thì vấn đề an sinh xã hội cần được đảm bảo.
Cụ thể, người dân cần được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, nhất định hỗ trợ các suất bổ sung thực phẩm dinh dưỡng, túi thuốc để cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ như miễn, giảm tiền điện nước, giãn nợ ngân hàng,... để chủ nhà trọ cũng có cơ sở hỗ trợ lại cho những người thuê trọ khó khăn.
Theo ông Trần Hải Linh, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các địa phương cần đảm bảo luôn có các test Kit thử nhanh và các sinh phẩm đảm bảo cho việc xét nghiệm nhanh, hiệu quả. Nếu thấy nguồn trong nước không đủ thì khẩn cấp có đánh giá, có cơ chế cho việc mua hoặc nhận hỗ trợ, viện trợ từ các nước đã có những sản phẩm uy tín và chất lượng, và đã có kinh nghiệm trải qua khi xét nghiệm tầm soát diện rộng khi lượng ca nhiễm cao...
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần áp dụng các công cụ để số hóa, đẩy nhanh tiến độ hiển thị và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống, từ đó giúp cho các bộ phận y tế và bộ phận hỗ trợ điều phối nhân lực, cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch sẽ có thể theo dõi và quan sát mọi lúc mọi nơi để đưa ra quyết định nhanh chóng và phương pháp thích hợp nhất cho từng thời điểm.
Ông Trần Hải Linh tin tưởng, từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, lực lượng y bác sỹ và quân y sẽ an tâm hơn, tận tâm, tận lực điều trị các bệnh nhân có triệu chứng tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, trung tâm, trạm y tế, hạn chế tối đa số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 hoặc các yếu tố bệnh tật liên quan khác.
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội nghị |
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào gửi tới Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định, mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Theo ông Hiệu, trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa, cải thiện phương pháp dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Xác định đây là nhiệm trọng tâm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo để chuẩn hóa hóa hệ thống sách giáo khoa; phối hợp với các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhằm cải tiến hình thức dạy học qua hình thức dạy học trực tuyến, dạy học online để đưa tiếng Việt đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không bị gián đoạn trong tình hình dịch bệnh.
Đối với công tác hỗ trợ cộng đồng kiều bào nâng cao địa vị pháp lý, ông Hiệu cho biết trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị đã khẳng định phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong thời gian tới Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ khảo sát, tập hợp những vướng mặc của bà con kiều bào để kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ huy động mọi nguồn lực có thể trong đó có sự tham gia đóng góp để có thể cho đất nước nguồn vaccine nhất và sớm nhất, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị các vị Ủy viên Ủy ban, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đại sứ quán tại các nước sở tại để cùng tham gia, phối hợp cùng kênh của Chính phủ để việc vận động, ngoại giao mua vaccine đạt hiệu quả cao nhất.
Mặt trận sẽ đáp ứng tốt hơn nữa mong đợi của bà con kiều bào
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã tham dự và đóng góp ý kiến tâm huyết trách nhiệm của mình tới Hội nghị; đồng thời qua đại biểu tham dự Hội nghị, gửi lời thăm hỏi chăn tình, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới kiều bào ta ở nước ngoài.
Thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến ghi nhận và đánh giá cao các vị Ủy viên Ủy ban, cộng đồng người Việt Nam, các Hội đoàn Người Việt Nam ở nước ngoài đã dành những tình cảm, trách nhiệm với quê hương, trong đó phải kể đến những đóng góp về trí tuệ, công sức, vật chất để phát triển kinh tế cho đất nước, đặc biệt sự ủng hộ của kiều bào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
“Nhiều kiều bào đã cùng đồng lòng, chung sức để cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh thông qua hoạt động tư vấn và chủ động tiếp cận các nguồn cung cấp để có sớm nhất, nhiều nhất nguồn vaccine chuyển về trong nước.” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ghi nhận đánh giá cao những ý kiến của các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, sự đồng hành và hiến kế tâm huyết của kiều bào trên mọi hành trình của dân tộc bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương của những người con đất Việt xa xứ, “dù đi xa vạn đỗi, không phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên”.
Theo người đứng đầu Mặt trận, chỉ tính từ ngày 31/12/2020 đến nay, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD; Trong 5 năm từ 2016-2020, tổng kiều hối đạt trên 88 tỷ USD; tổng số tiền kiều bào quyên góp, ủng hộ đất nước khi gặp khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh lên đến trên 100 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị, vật tư, y tế.
"Kiều bào ta ở nước ngoài cũng san sẻ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau khi cộng đồng gặp nhiều khó khăn, điều đó thể hiện đậm nét văn hóa tốt đẹp, truyền thống của người Việt Nam, như "cây có cội, sông có nguồn", "bầu ơi thương lấy bí cùng". Đó là những tình cảm rất trân quý", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Từ những ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ để báo cáo với Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào. Từ đó có những giải pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ở nước sở tại.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ tập trung triển khai, quán triệt hiệu quả nội dung Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan để tiếp tục thúc đẩy công tác kiều bào ngày càng thực chất, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa sự mong đợi, nhu cầu của kiều bào.
Nhấn mạnh tới việc MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp cao nhất cùng với các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong các vị Ủy viên Ủy ban, các Hội đoàn và Kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài hiến kế, đồng lòng chung sức để tham gia kết nối, vận động cùng Chính phủ và các cơ quan ở Việt Nam mua vaccine, nhận tặng vaccine được nhiều nhất, nhanh nhất có thể.
"Bất cứ lúc nào kiều bào có thông tin về hoạt động kết nối vaccine, Mặt trận sẽ báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết các thủ tục ở trong nước nhằm đưa nguồn vaccine về với Việt Nam nhanh nhất", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong thời gian tới, các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào để phản ánh, kiến nghị tới Đảng, Nhà nước và Mặt trận; vận động kiều bào hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Mặt trận phát động, đặc biệt là chủ trương của Đảng, Nhà nước, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong cộng đồng nhằm củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp thu và phối hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị của bà con, nhất là trong công tác hỗ trợ cộng đồng nâng cao địa vị pháp lý, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt, ổn định cuộc sống ở nước sở tại
Nhân dịp này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng mong muốn kiều bào tiếp tục quyên góp ủng hộ kinh phí, vật tư, thiết bị y tế, vận động nguồn lực vaccine qua đầu mối MTTQ Việt Nam để Mặt trận phân bổ kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ có thư ngỏ cảm ơn những đóng góp của kiều bào khi cùng sẻ chia với thời khắc cam go của đất nước.
"Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở Việt Nam và trên toàn thế giới, tôi tin tưởng với ý chí, tình cảm, sức sáng tạo và tình đoàn kết của người Việt Nam nhất định chúng ta sẽ kiểm soát, đẩy lùi, vượt qua đại dịch, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Mong kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, bình an và hạnh phúc", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng.
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh