Mặt trận phải là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh tham nhũng

(Mặt trận) - Sáng 28/5, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng.

Thời gian qua, nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 19/CTr-MTTW về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020…

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động trong nhân dân, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đối với việc PCTN.

Đồng thời, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã có những kết quả bước đầu. Cơ chế giám sát, nhất là giám sát ở cơ sở để PCTN từng bước được hoàn thiện. Các hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam được triển khai thường xuyên; những ý kiến, kiến nghị qua giám sát của Mặt trận nhìn chung đã được chính quyền các cấp, nhất là chính quyền ở cơ sở tiếp thu, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp từng bước tích cực thực hiện chức năng giám sát của mình qua việc giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng và giám sát việc giải quyết vụ việc đó.

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cũng triển khai hiệu quả việc tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nhằm phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thông qua các bài báo phản ánh hiện tượng tham nhũng, lãng phí, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung phân tích, chọn lọc một số phản ánh có cơ sở và gây bức xúc xã hội để gửi tới các cơ quan của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để kiến nghị giải quyết và theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, thông báo cho nhân dân biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận nhằm đưa ra giải pháp đẩy mạnh chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giải pháp nhằm bảo vệ người tham gia tố cáo tham nhũng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận các cấp cần phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

 “Phải khai thác hiệu quả thông tin mà các cơ quan báo chí của Mặt trận trực tiếp phản ánh về hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó tập trung đề xuất giải quyết một số vụ việc cụ thể với chính quyền các cấp và đi đến cùng vụ việc”, ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về vai trò của báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm đề xuất các khuyến nghị, giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc tuyên truyền về hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp, từng bước nâng cao chất lượng tuyên truyền của báo chí hiện nay đối với lĩnh vực này.

Ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng cần phải phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để trực tiếp phát hiện các vụ việc tham nhũng, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc và tập hợp gửi lên cấp trên có thẩm quyền xem xét.

“Mỗi năm Mặt trận có một chương trình giám sát về việc phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan…”, ông Đỗ Duy Thường gợi mở.

Ở một góc độ khác, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, với vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thì việc đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân chính là Mặt trận. Chính vì vậy, tiếng nói của Mặt trận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên nhân dân phản ánh các vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn.

“Phải làm rõ vai trò của Mặt trận trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt trận phải dựa vào nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân phản ánh tham nhũng và khơi dậy tính tự giác của quần chúng nhân dân thông qua việc phát hiện những vụ việc trên địa bàn”, ông Trần Ngọc Đường nói.

Theo ông Trần Ngọc Đường, nếu Đảng không dựa vào tiếng nói của nhân dân và thông qua vai trò của Mặt trận thì công cuộc phòng, chống tham nhũng không thể thành công, chính vì vậy, Mặt trận các cấp cần phải có những chương trình giám sát cụ thể và phải nói lên tiếng nói phản biện của mình đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tham nhũng.

Bên cạnh đó, tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND, Mặt trận cần dành một phần quan trọng nói lên tiếng nói của nhân dân đối với những vụ việc tham nhũng mà nhân dân trực tiếp phản ánh, tố cáo.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để giúp Mặt trận các cấp phát huy vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, hiện nay Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì thực hiện 2 chương trình giám sát: Giám sát cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan; Giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Từ chương trình giám sát này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai và huy động được sự quan tâm của nhân dân vào hoạt động giám sát và góp phần đẩy lùi tham nhũng.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp cần căn cứ vào những bài báo phản ánh về hiện tượng tham nhũng, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vụ việc cụ thể và yêu cầu cơ quan chức năng giải trình quá trình giải quyết vụ việc.

 “Có những vụ việc tồn tại lâu chưa thể giải quyết nhưng khi báo chí vào cuộc thì vụ việc đã có tác động tới cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đã có hướng giải quyết hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân, phải khép được những khe hở về cơ chế, chính sách để Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng xảy ra trên địa bàn.

Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều