|
Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021. |
Phóng viên: Thưa ông, tính đến hết ngày 31/8, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 đã nhận được 1.181 tác phẩm dự thi hợp lệ. Được biết, Hội đồng sơ khảo và chung khảo đã tiến hành chấm và lựa cho những tác phẩm xuất sắc để trao giải. Là người trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm năm nay?
Ông Phùng Khánh Tài: Hưởng ứng quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh và kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong những năm vừa qua MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ này. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời ban hành Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020 và nhiều các văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện. Đặc biệt, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6, Khoá VIII đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (nay là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực). Sau thành công của giải lần thứ nhất và thứ hai, đây là lần thứ ba Giải được tổ chức.
Sau 2 năm phát động, tính đến ngày 31/8/2021, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 đã nhận được 1.181 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương gửi tham dự Giải. Đây là số lượng tác phẩm báo chí gửi tham dự lớn nhất từ khi giải được tổ chức đến nay.
Từ 1.181 tác phẩm gửi về, Hội đồng sơ khảo đã tuyển chọn 59 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm của Hội đồng chung khảo, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải cũng đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Có thể khẳng định, các tác phẩm tham gia giải lần này có nội dung bám sát chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về hình thức, các tác phẩm được thực hiện công phu, đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Báo chí ngày càng khẳng định vai trò xung kích trong việc phát hiện, phanh phui, quyết tâm đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc. Điểm mới của Giải lần này là đã có thêm nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có nhiều hơn các tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.
Với tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm, công tâm, khách quan, theo đúng Thể lệ và quy chế Giải, kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm của hai lần tổ chức trước đó, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 45 tác phẩm xuất sắc để Ban Chỉ đạo giải quyết định trao các giải: Đặc biệt, A, B, C và khuyến khích.
Sau ba lần tổ chức, đây là lần đầu tiên Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có tác phẩm xuất sắc vinh dự được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trao giải Đặc biệt.
Phóng viên: Năm 2021 là một năm có nhiều sự kiện trọng đại và đặc biệt của đất nước như Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV, 4 lần bùng phát của dịch COVID-19… Điều này đã được thể hiện như thế nào trong những tác phẩm dự thi? Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, ban tổ chức đã gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào thưa ông?
Ông Phùng Khánh Tài: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021 diễn ra khi đất nước phải đối mặt với sự bùng phát và ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất bước: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chính bởi vậy, các tuyến bài đều tập trung phản ánh diễn biến tình hình dịch bệnh trên cả nước, phản ánh tinh thần triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và phản ánh sự tham gia của hơn 69 triệu cử tri cả nước thực hiện quyền công dân của mình tại 84.767 khu vực bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất để đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội (khóa XV) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng với đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng hạn chế sự tham gia tác nghiệp của phóng viên khi đi tìm hiểu, điều tra về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Được cổ vũ, tiếp sức bằng quyết tâm cao và nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, các phóng viên vẫn không nản lòng, họ sẵn sàng nỗ lực, dũng cảm, khách quan và kiên định ngòi bút của mình để nhận diện, phản ánh những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, suy thoái và mang theo quyết tâm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Ban tổ chức trân trọng những bài báo điều tra công phu, tâm huyết đó, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Để từ đó có hàng ngàn tác phẩm báo chí chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân.
Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu”. Theo ông, báo chí Việt Nam đang có đóng góp như thế nào vào công tác đấu tranh, giám sát phòng, chống tham nhũng của Mặt trận nói riêng, cả nước nói chung?
Ông Phùng Khánh Tài: Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” đã đạt kết quả rất quan trọng, để lại những dấu ấn đậm nét. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước vừa có tác dụng phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ". Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, và khoá XIII khẳng định tiếp tục kiên quyết, kiên trì nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến,' 'tự chuyển hóa' trong nội bộ". Đại hội cũng đặt ra yêu cầu phải “Nâng cao vai trò, phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực này, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện, theo dõi quá trình xử lý các vụ việc; phát hiện những hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; nêu gương và nhân rộng những tấm gương tốt, việc làm tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, tốt đẹp.
Với trách nhiệm thường trực cơ quan phối hợp tổ chức Giải, tôi mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo phát huy truyền thống tự hào 96 năm báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục tiên phong đi đầu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều cam go, thử thách. Tôi cũng mong muốn và kêu gọi cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục hăng hái, tích cực hưởng ứng tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023. Với quyền và trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam sẽ luôn đồng hành để các cơ quan báo chí, các nhà báo vững tin, không “chùn bước” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Hương Diệp