Thành phố Hà Nội trải qua hơn nghìn năm xây dựng và phát triển luôn tạo được sự đồng thuận rất lớn của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, điều đó thể hiện một cách rõ ràng về một khối đoàn kết thống nhất toàn dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự đồng thuận trong hệ thống chính trị của Thành phố, đồng thuận từ cá nhân người đứng đầu, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đang sinh sống trên địa bàn Thành phố và hơn thế nữa đó là thực gắn kết trong công tác đối ngoại nhân dân, sự đồng thuận xã hội đó thể hiện trong từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, như: Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô của Quốc hội năm 2008. Trước khi có nghị quyết thì Thành phố Hà Nội có 14 đơn vị hành chính với dân số khoảng trên 2 triệu người với thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/đầu người/năm. Đến nay, sau khi Quốc hội có nghị quyết mở rộng địa giới hành chính đối với toàn bộ tỉnh Hà Tây và một số xã của tỉnh Hòa Bình, toàn Thành phố hiện có 30 đơn vị hành chính với dân số trên 8 triệu người, thu nhập bình quân tính đến tháng 10/2020 đạt 136 triệu đồng/người. Hà Nội đã đảm bảo đủ các điều kiện về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng để xứng đáng là Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Năm 2020, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực của Thành phố, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn. Với quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh được dần tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi, GRDP tăng 3,98%; thu ngân sách cơ bản được đảm bảo; công tác thu hút đầu tư được thực hiện tốt, nhất là Thành phố tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, với sự tham gia hơn 1.800 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tại Hội nghị của Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng, trao 38 biên bản ghi nhớ và giới thiệu danh mục 282 dự án kêu gọi đầu tư, đây là một thành tích rất ấn tượng, là dấu ấn của Thành phố Hà Nội trong công tác thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Cung ứng hàng hóa ổn định trong dịp Tết cũng như giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19; quản lý đô thị được tăng cường; xây dựng nông thôn mới được tiếp tục triển khai tích cực; thực hiện mục tiêu “kép” phát triển kinh tế-xã hội sau dịch; công tác an sinh xã hội được quan tâm nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19; công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục được mở rộng, Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, là Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta luôn phải giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, đó là sự phát triển nhưng lại không đồng bộ, sự giàu đẹp nhưng lại không đảm bảo môi trường, hội nhập nhưng lại không đảm bảo về an ninh chính trị, con người được tự do nhưng lại không hòa hợp. Hai mặt đối lập ở đây chính là sự tồn tại của xã hội, tồn tại đó đòi hỏi con người phải giải quyết nó, muốn phát triển một đô thị văn minh hiện đại thì bắt buộc chúng ta phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, bên cạnh đó phải đảm bảo về môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là phải giữ hòa bình, ổn định, đồng nghĩa với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội để hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, để giải quyết được những mẫu thuẫn đó thì một trong những điều kiện tiên quyết đó là phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, là một bộ phận trong hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn Thành phố đã làm tốt vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân. Với nhiệm vụ mở rộng và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn Thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Những năm qua, Thành phố Hà Nội mở rộng tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn kết giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước; thể hiện truyền thống văn hóa của con người Việt Nam đó là sự sẻ chia, là sự đùm bọc yêu thương nhau trong từng hoàn cảnh, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn và thách thức, đồng thuận xã hội trong các tầng lớp nhân dân thể hiện qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng và các đoàn thể nhân dân nói chung có vai trò quan trọng trong thực hiện Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm tốt vai trò hướng dẫn cho nhân dân và các đoàn viên, hội viên hiểu nội dung, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và giám sát việc thực hiện các chính sách ở địa phương; phản ánh ý kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, các đoàn viên, hội viên cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Động viên nhân dân, các đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, các cấp Mặt trận tích cực, chủ động và sáng tạo tham gia thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sự gắn kết của các tầng lớp nhân dân trong các cộng đồng dân cư không phân biệt lương - giáo, dân tộc, thể hiện sự ưu việt của chế độ chính trị của Việt Nam. Trong những năm qua, thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng của đất nước, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không những vậy đó còn là nguồn động viên, cổ cũ nhân dân đồng lòng trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thông qua giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thể hiện được sự đồng thuận cao trong việc giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm qua, thông qua hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công, gia đình hộ nghèo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện các công trình, dự án,… Các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 1.677 vụ việc, phát hiện 270 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 266 vụ việc, có 263 vụ được giải quyết. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 996 công trình, dự án, phát hiện 52 vụ việc vi phạm, kiến nghị khắc phục 51 công trình, dự án; tổ chức phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được 3.050 cuộc với 255.671 lượt người tham dự; phối hợp tham gia hòa giải 722 vụ việc, hòa giải thành 561 vụ việc đạt 77,7%.
Hoạt động phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Mặt trận Tổ quốc Thành phố xác định là hoạt động xương sống trong công tác xây dựng chính quyền. Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội, sau khi có ý kiến của cấp ủy, văn bản đề nghị của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức họp với các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch tổ chức phản biện xã hội. Tổ chức các đoàn khảo sát gồm các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn, ban tư vấn của Mặt trận Tổ quốc, nhà quản lý, cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực phản biện khảo sát thực tế lấy ý kiến của các cơ quan và người dân chịu tác động trực tiếp từ các chủ trương, chính sách, đồng thời đoàn khảo sát cũng trao đổi và thông tin thêm về chủ trương của Thành phố đến người dân. Trên cơ sở các ý kiến của đoàn khảo sát, ý kiến phát biểu, ý kiến giải trình của các cơ quan chức năng tại hội nghị phản biện, từ đó tổng hợp gửi đến cơ quan ban hành chủ trương, chính sách để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thông qua hoạt động phản biện xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa đường lối, chủ trương và nghị quyết vào cuộc sống.
Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định số 6525-QĐ/TW ngày 25/9/2015 của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho tổ chức đảng, chính quyền; góp ý cho cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử và đặc biệt là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Kết quả 6 tháng đầu năm 2020, cấp huyện có 1.037 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, 6.118 ý kiến góp ý xây dựng chính quyền; cấp xã có 1.189 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, 9.627 ý kiến góp ý xây dựng chính quyền; 1.005 lượt ý kiến góp ý cho cá nhân, cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, phát huy dân chủ rộng rãi, tăng cường nắm bắt tình hình của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trước, trong và sau Đại hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động tích cực, bằng nhiều hình thức, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp, nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, công tác quản lý của chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ qua. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 406 hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp (trong đó, cấp huyện 37 hội nghị, góp ý vào 27 dự thảo văn bản của cấp ủy; cấp xã 369 hội nghị, góp ý 589 dự thảo văn bản của cấp ủy).
Trong tuyên truyền thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp và làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả cao. Toàn Thành phố hiện nay đã có 355/382 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chiếm 92,9%; 8 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó cạnh tranh chính trị, cạnh tranh kinh tế diễn ra ngày càng gay gắt. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tiếp tục tác động đến môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của các nước trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với việc xây dựng đồng bộ hệ thống các bộ luật. Các bộ luật cần mang tính chiến lược tránh việc luật mới ban hành đã phải sửa đổi và bổ sung. Việc tuyên truyền và thực hiện luật phải được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, luôn nhất quán quan điểm vì mục tiêu chung là phát triển đất nước nhưng phải phục vụ lợi ích quốc gia và dân tộc.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thứ ba, cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta.
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các quy định của Bộ Chính trị. Tăng cường giám sát để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Mặt trận Tổ quốc phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Thứ năm, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, và phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo". Đảng ta đã xác định vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai trò thành viên của Mặt trận, chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận.
Thứ sáu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội. Chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng khối đoàn kết, thống nhất là một truyền thống tốt đẹp của Đảng, đồng thời là nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng nước ta.
Đàm Văn Huân
Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội