Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận đầy đủ về chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng có nhiều quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 đã dành riêng Điều 21 trong Chương 4 về Tham gia xây dựng Nhà nước để quy định về nhiệm vụ “Tham gia xây dựng pháp luật” của MTTQ Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, việc tham gia xây dựng pháp luật đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2013 đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức góp ý và tham gia góp ý đối với hàng trăm dự thảo văn bản luật; tổ chức được nhiều cuộc phản biện xã hội đối với các dự án luật lớn, dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các tầng lớp nhân dân hoặc các dự án luật điều chỉnh những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, chú ý…
“Thông qua hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, MTTQ Việt Nam còn thể hiện trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ trong giai đoạn xây dựng chính sách, pháp luật”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật tuy đã có sự tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam nhưng khi ban hành và tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế, vướng mắc; những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước chậm hoặc chưa được tiếp thu, thực hiện đầy đủ; công tác góp ý luật mới chỉ dừng lại ở Trung ương, việc lấy ý kiến ở địa phương chưa đạt hiệu quả cao…
Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, cơ chế chính sách, pháp luật để thực hiện việc góp ý kiến xây dựng pháp luật chưa đầy đủ; còn nhiều quy phạm trong Luật MTTQ Việt Nam vẫn còn mang tính “khung”, chưa được quy định cụ thể, lại không có nghị định hướng dẫn, nên trong thực thi còn khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Xuất phát từ thực trạng đó, ông Đỗ Duy Thường cho rằng cần nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức trong cơ quan MTTQ các cấp về nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận; Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đổi mới việc lập chương trình xây dựng pháp luật dài hạn theo hướng Chiến lược xây dựng pháp luật. Cùng với đó, cần đổi mới cách thức tiến hành tổ chức góp ý, kiến nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh đối với dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND...
Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là sản phẩm lịch sử, là căn cứ quan trọng để MTTQ Việt Nam triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Để nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng cần phải xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách và đội ngũ tư vấn, cộng tác viên. Đội ngũ này cần được quan tâm hơn nữa cả về đào tạo nâng cao trình độ, cả về kinh nghiệm thực tiễn để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tham mưu.
Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp với các tổ chức thành viên, bởi bên cạnh số ít tổ chức thành viên có điều kiện sáng kiến và chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật thì đa số các tổ chức khác không đủ điều kiện thực hiện quyền này. Trong khi đó, theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam, Điều lệ MTTQ Việt Nam và trong thực tiễn có rất nhiều nội dung liên quan đến các tổ chức thành viên.
“Cần phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam trong tham gia hoạt động xây dựng pháp luật chứ không chỉ tập trung vào Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Pha đề nghị.
Từ cách nhìn của các tổ chức chính trị - xã hội, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng: Trong thực tiễn, việc xây dựng pháp luật còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Do đó, Mặt trận phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu bao trùm cho mọi hoạt động của Mặt trận, đặc biệt trong công tác tham gia xây dựng pháp luật.
“Mặt trận cần phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội. Giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách để qua đó giám sát, phát hiện những nội dung, quy định còn bất cập, chưa khả thi với điều kiện cuộc sống để có kiến nghị hoàn thiện pháp luật là một cách thức rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở thực tiễn”, bà Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đây sẽ là căn cứ khoa học gắn với thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt nam đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đồng thời góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Hương Diệp