Nhiều người lao động “non” vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại muốn lĩnh một cục hoặc nghỉ hưu sớm. Trong số này, không ít người “nhảy” sang một công việc mới để hưởng đồng thời hai thu nhập – một thu nhập từ lương hưu “non” và một thu nhập từ công việc mới. Việc nghỉ hưu non hay nghỉ để chờ ăn lương hưu đang là cách hiểu sai về chính sách hưu trí, lãng phí nguồn lực lao động.
Cụ thể, Luật BHXH qui định tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 và 60 với nam. Trong một số lĩnh vực, ngành nghề sức khỏe người lao động vẫn còn thì vẫn tiếp tục làm việc. Với nữ chưa đủ 30 năm công tác và 35 năm công tác với nam thì mức lương hưu rất thấp. Chính vì thế, người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nghỉ hưu non hay lĩnh một cục.
Nhiều người đã làm thủ tục "lĩnh một cục" nay lại muốn quay trở lại tham gia BHXH.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Chúng ta phải xem xét chính sách, một là phải nghiên cứu làm sao tạo cơ hội cho người lao động tiếp tục được làm việc khi còn sức khỏe để người ta kéo dài thời gian đóng BHXH khi về hưu lương hưu ở mức đảm bảo cuộc sống, không phải làm thêm, hoặc làm những việc nhẹ nhàng phù hợp với tuổi. Bởi người lao động không thể về hưu mà lại tiếp tục đi làm công việc nặng nhọc hơn. Xin nghỉ hưu sớm sẽ dẫn tới tình trạng quỹ lương hưu của chúng ta thấp và nguy cơ bị phá vỡ”.
Thực tế, theo các chuyên gia về BHXH, nhiều người không nhận thức rõ vấn đề BHXH do Nhà nước bảo trợ. Khi về hưu người ta được chi trả cho cả thẻ BHYT và hưởng các chế độ như mai táng phí, chết sớm được hưởng tử tuất với bố mẹ hết tuổi lao động, con chưa đến tuổi trưởng thành… “Đấy là những chính sách rất nhân văn mà nhiều người chưa hiểu” – ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.
Cụ thể, ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: Khi về hưu mà mới công tác được 20-25 năm, chưa đủ tuổi 55 với nữ và 60 với nam thì lấy một lần sẽ rất thiệt. Thiệt đầu tiên là đóng một năm 22% (bằng 2,6 tháng lương), khi về một lần một năm công tác chỉ được tính 2 tháng lương. Vấn đề quan trọng là sau tuổi 60 và 55 thì người ta sẽ không còn nguồn thu nhập nào khác. Vậy họ sống bằng gì?
Về lo ngại vỡ quỹ bảo hiểm hoặc tiền tham gia BHXH bị mất giá, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội, quỹ BHXH do Nhà nước bảo trợ, cho nên người về hưu vẫn được điều chỉnh lương hưu, đảm bảo sức mua của đồng tiền cho người về hưu. Tất cả những người về hưu tham gia BHXH bắt buộc nếu tiền lương đóng thấp hoặc thời gian đóng BH chưa nhiều hoặc tuổi đời về hưu sớm thì mức hưởng thấp nhất vẫn bằng tiền lương cơ sở, đảm bảo mức tiền lương tối thiểu.
“Dù điều chỉnh hay không điều chỉnh chính sách thì chính sách đó phải hướng đến đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người về hưu, không để cho người về hưu bị thiệt” – ông Lợi nói.
Tương lai, tiền lương hưu sẽ được công khai, minh bạch và sẽ có tài khoản cá nhân cho người tham gia BHXH để người tham gia hiểu, biết được rằng lương tham gia của họ đã đóng được bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu, người ta hoàn toàn biết được quỹ lương hưu của mình.
Bây giờ đang trong quá trình chuyển đổi thì chưa thể thực hiện ngay. Tốc độ tăng tiền lương của người về hưu và cán bộ công chức mới thực hiện điều chỉnh như vậy. Tiến tới dứt khoát tiền lương hưu của người lao động được quản lý theo đúng số thực đóng chứ không có chuyện điều chỉnh tăng lương của cán bộ công chức và lương hưu đồng thời như hiện nay.
“Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện chính sách để công khai, minh bạch để ai cũng có thẻ cá nhân về BHXH, để mỗi cá nhân tự kiểm soát được số tiền của mình. Chúng ta đang tiến tới quỹ lương hưu là hoàn toàn của người lao động và được hạch toán vào tài khoản cá nhân, nhà nước bảo hộ. Nếu trượt giá, tăng giá thì nhà nước phải bù cho bằng giá trị thực tế của đồng tiền. Quỹ đó trục trặc gì thì Nhà nước phải bảo hộ, không làm mất quỹ hưu trí của người về hưu”, ông Lợi cho biết.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN