Phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024-2029

(Mặt trận) - Ngày 14/6, tại tỉnh Thái Bình, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024-2029. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn nội dung bài phát biểu quan trọng này.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng hoa và bức ảnh Bác Hồ, Bác Tôn chúc mừng Đại hội

PHÁT BIỂU

của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam

tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình,

lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024-2029

*****

 

- Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội;

- Thưa đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình;

- Thưa các đồng chí trong Ban Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình;

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động;

- Thưa các cụ, các vị, các đồng chí và toàn thể Đại hội;

Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi cùng với các vị đại biểu về dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2024-2029. Trước tiên, tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí đại biểu, các vị đại biểu khách quý và toàn thể Đại hội lời chào trân trọng, lời thăm hỏi sức khỏe, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể Đại hội!

Quá trình chuẩn bị Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có dịp trao đổi, góp ý cụ thể về nội dung văn kiện, đề án nhân sự và chương trình Đại hội… Bởi vậy, tôi biểu thị sự đồng tình, nhất trí cao với các văn bản dự thảo trình Đại hội. Sau đây, tôi xin phép phát biểu có tính chất gợi mở, nhấn mạnh thêm một số nội dung để Đại hội cùng trao đổi, thảo luận.

1. Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2019 - 2024):

Chúng ta tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh nước lớn gay gắt, căng thẳng; xung đột vũ trang Nga - Ucraina, đại dịch Covid-19 bùng phát, thiên tai dịch bệnh gây hậu quả nặng nề. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, đóng góp công sức cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị ổn định; kinh tế phục hồi, phát triển; các vấn đề văn hóa, xã hội được quan tâm giải quyết hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại đạt được kết quả ấn tượng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả toàn diện; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước được nâng lên; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác Mặt trận; đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 3 sự kiện nổi bật:

(1). Ngày 16/8/2021, Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch nước, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và 17 đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến dự. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, mang tính lịch sử, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của MTTQ Việt Nam và định hướng một số nội dung cần quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xuất bản cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc". Cuốn sách dày 748 trang, cùng với 142 bức ảnh, những bài viết, bài nói, bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên thể hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương của Đảng về vai trò của nhân dân; về phát huy dân chủ, dựa vào dân để xây dựng Đảng và Nhà nước; về truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(2). Bộ Chính trị đã quyết định nâng tầm Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ trực thuộc Ban Bí thư lên trực thuộc Bộ Chính trị (như vậy, ở Trung ương chỉ có Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị). Lần đầu tiên trong lịch sử của MTTQ Việt Nam, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 120-QĐ/TW về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ Cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (là cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng Cơ quan là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng) để giúp việc cho Uỷ ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực.

(3). Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 35-KL/TW về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được nâng lên 1 bậc trong hệ thống chức danh lãnh đạo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xếp một dòng riêng. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả hệ thống chính trị rất quan tâm đến công tác Mặt trận; vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam được nâng lên một bước rõ rệt.

Đối với MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình, qua nghiên cứu báo cáo chính trị của Đại hội và quá trình theo dõi, chúng ta vui mừng nhận thấy, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh Thái Bình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền; sự thống nhất, phối hợp hành động của các tổ chức thành viên; cả 5 chương trình của công tác Mặt trận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Báo cáo chính trị đã đề cập rất đầy đủ, tôi xin nhấn mạnh thêm một số kết quả nổi bật, đó là:

(1). MTTQ Việt Nam các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về bầu cử, tích cực tuyên truyền, vận động cử tri của tỉnh hăng hái đi bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao với 99,7%; bầu 1 lần đủ 9 đại biểu Quốc hội, 62 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, 312 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 6.468 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Đó là con số biết nói về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin của cử tri và nhân dân trong tỉnh đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

(2). Nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam các cấp từ tỉnh đến xã đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền vững mạnh. Đã có nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để các cấp ủy Đảng, chính quyền có thêm thông tin đa chiều để xem xét, ban hành các chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn; giải quyết được những vấn đề mới, khó, nhạy cảm của địa phương, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhà nước, cho tỉnh và lợi ích của nhân dân. Tôi rất ấn tượng với kết quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận và tổ hòa giải ở khu dân cư, trong nhiệm kỳ qua đã tham gia hòa giải trên 25.000 vụ việc mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng dân cư với hơn 90% cuộc hòa giải thành công, góp phần giữ gìn “tình làng, nghĩa xóm”, đoàn kết, đồng thuận ở các khu dân cư.

(3). Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình và các tổ chức thành viên đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Với hơn 1,6 triệu người, chiếm 88,2% dân số của tỉnh là nông dân sinh sống ở địa bàn nông thôn, chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, MTTQ Việt Nam các cấp đã chú trọng thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với phương châm lấy sức dân chăm lo cho đời sống của nhân dân, từ năm 2019-2023, nhân dân đã đóng góp gần 1.000 tỷ đồng, hiến gần 1 triệu m2 đất, gần 800 ngàn ngày công để xây dựng nông thôn mới. Góp phần để tỉnh Thái Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã, trong đó có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.

- Thái Bình là địa phương thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan vận động, quyên góp được hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ, giúp đỡ làm mới và sửa chữa 1.047 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ trên 11 ngàn lượt người nghèo về tư liệu sản xuất, khám chữa bệnh và giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; hàng năm, 100% hộ nghèo, cận nghèo được tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán…; tỉnh cũng đã vận động được hàng chục tỷ đồng ủng hộ các tỉnh khác khi bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh.

- Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai bài bản, hợp lòng dân với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả: Xây dựng được hàng ngàn mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị: gần 3.000 mô hình dòng họ, xứ họ đạo không ma túy, không tội phạm và tệ nạn xã hội; hơn 2.000 tổ tự quản môi trường.

- Với hơn 21 vạn người là bà con tín đồ tôn giáo, MTTQ Việt Nam đã tổ chức tốt các hoạt động “Sống tốt đời, đẹp đạo”. 5 năm qua có trên 2.700 lượt chùa được công nhận “Chùa cảnh 4 gương mẫu”; hàng ngàn lượt xứ, họ đạo được công nhận “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”; nhiều xứ họ đạo, chùa được công nhận gương mẫu 5 năm liền.

- Cùng với các phong trào chung, Hội Cựu chiến binh, tổ chức Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên, Người Cao tuổi, Chữ thập đỏ… đều có các hoạt động thiết thực, vận động hội viên, đoàn viên chung tay góp sức xây dựng cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc cho mọi gia đình.

(4). Nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tập hợp được hàng chục ngàn lượt ý kiến của nhân dân ở các khu dân cư góp ý với tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chính quyền; tổ chức được 7 Hội nghị cấp tỉnh, 66 Hội nghị cấp huyện, 1.380 hội nghị cấp xã để người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Qua đó kịp thời giải tỏa bức xúc, nâng cao đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, tăng cường truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(5). Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò nòng cốt, vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Thái Bình đoàn kết một lòng, đồng cam, cộng khổ, với những tháng ngày không thể nào quên “chiến đấu” với đại dịch Covid-19, để tỉnh Thái Bình của chúng ta là nhóm tỉnh bị nhiễm nhẹ nhất, thiệt hại ít nhất.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua cũng còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như báo cáo chính trị đã nêu rất đầy đủ (tôi xin phép không nhắc lại); chỉ xin nhấn mạnh thêm một nội dung đó là: Công tác nắm tình hình nhân dân chưa chắc hoặc nắm được nhưng chưa có phương pháp phù hợp để phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết rốt ráo một số vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. (nếu chủ quan với 1 đốm lửa nhỏ, nó có thể đốt cháy cả một cánh rừng).

Tựu chung lại, chúng ta vui mừng nhận thấy công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua của tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng được “thế trận lòng dân vững chắc”, động viên được các tầng lớp nhân dân đồng lòng, chung sức, cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang của tỉnh, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần để tỉnh Thái Bình đạt được một số kết quả ấn tượng, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 tăng gần 7,4%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 4,1 tỷ USD đó là năm 2023 hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn quốc; đã có dự án lớn gần 2 tỷ USD đầu tư trên địa bàn tỉnh; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; chỉ số hài lòng của người dân tăng 2 bậc; đời sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,8%; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt.

Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu và Đại hội ghi nhận, chúc mừng và biểu dương kết quả đáng trân trọng của MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Namphát biểu chỉ đạo tại Đại hội

2. Về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2024 - 2029)

Trước khi đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn từ diễn đàn Đại hội hôm nay, một lần nữa chúng ta cùng nhau nhắc nhớ về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng rất đỗi tự hào của quê hương Thái Bình nhằm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa lòng tự hào, tự tôn, tự tin của quân và dân toàn tỉnh, trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh ta trong thời gian tới.

Thái Bình là một vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử yêu nước và cách mạng. Nói đến Thái Bình là nói đến Lý Nam Đế - Nhà nước Vạn Xuân; nói đến Nhà bác học Lê Quý Đôn với tác phẩm nổi tiếng Đại Việt thông sử; nói đến nhà hoạt động Cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh; nói đến “tiếng trống 30 năm” của bà con nông dân Tiền Hải còn vang vọng mãi đến bây giờ; nói đến những đóng góp to lớn sức người, sức của của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thái Bình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một tỉnh dân số đứng thứ 11 nhưng số liệt sỹ đứng thứ 2, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đứng thứ 5 toàn quốc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, có rất nhiều người con của tỉnh Thái Bình đã làm rạng danh quê hương, đất nước với những cái tên thân thương đã được ghi vào sử sách như: Đại tướng Hoàng Văn Thái là vị tướng toàn tài, tham gia chỉ huy hàng loạt chiến dịch từ thời chống Pháp; là Anh hùng Tạ Quốc Luật, người chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu; là Đại tá Bùi Quang Thận, đại đội trưởng xe tăng, cắm cờ trên nóc dinh Độc lập; là Nhà tình báo tài tình Vũ Ngọc Nhạ; là nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên; là anh hùng Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ và hàng trăm người anh hùng khác. Thái Bình nổi tiếng với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “5 tấn thóc cùng góp phần đánh Mỹ”, vùng quê được vinh dự dựng tượng Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Tôi có đọc được một tài liệu nói rằng: “Người Thái Bình hiếu học và giàu trí tiến thủ, nhạy bén với thời cuộc, dễ thích nghi với môi trường sống, thích ứng với việc nghĩa và sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn”. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh đã viết: “Vùng quê này đã từng được lịch sử tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử”. Với truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào đó, tôi đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên tuyền, giáo dục truyền thống hào hùng của quê hương Thái Bình trở thành “sức mạnh mềm” để các thế hệ con em người Thái Bình ở trong và ngoài tỉnh tự hào, tự tin, phát huy truyền thống quê hương, đồng tâm, hiệp lực đóng góp công sức xây dựng Thái Bình ngày càng phát triển giàu đẹp.

Trên tinh thần đó, Tôi xin phép nhấn mạnh 05 nội dung để Đại hội cùng trao đổi, thảo luận:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".

Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 7 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Bình, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển giàu đẹp, góp phần cùng với cả nước phấn đấu đạt được mục tiêu “đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Hai là, tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, với phương châm: nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và nhân dân được hưởng lợi thật. Đồng thời quan tâm triển khai thực hiện thật tốt 2 nội dung mới: Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Chương trình Xây dựng khu dân cư "Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có hội viên, đoàn viên do vậy hoạt động ở địa bàn khu dân cư là quan trọng nhất, đối tượng vận động là toàn dân, tính chất toàn diện. Cái gì liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân là Mặt trận vận động. Như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh).

Ba là, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của nhiệm kỳ này là: phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch vững mạnh; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Tất nhiên giám sát, phản biện phải đúng, nói có lý, có tình, nói cho hoa thơm trái ngọt, nói cho toại lòng nhau chứ đừng nói đến mức ly tán lòng người, nói cho thích rồi chẳng có ai làm nữa thì lợi bất cập hại).

Phải quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh "dân là gốc", thấm nhuần sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là mục tiêu hướng đến của mọi chính sách, đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Cán bộ Mặt trận không một phút giây nào được lãng quên điều thiêng liêng đó. (Cụ Nguyễn Trãi đã từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; Chúng ta là con cháu của cụ phải khắc ghi điều đó và nếu dân chưa yên thì phải xem lại việc ta làm).

Bốn là, muốn đổi mới cách nghĩ, cách làm, muốn nâng cao kết quả và chất lượng công việc... thì cán bộ là nhân tố quyết định. Do vậy, nhiệm kỳ này, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, quyết tâm cao, cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, với phương châm chưa biết thì phải học, chưa biết mà không chịu học là khuyết điểm.

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho xây dựng 4 đề án: (1) Đề án xây dựng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024-2029; (3) Đề án chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; (4) Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024-2029;

Tôi tin rằng, nếu chúng ta triển khai thực hiện hiệu quả 4 đề án này thì chất lượng cán bộ, hiệu quả công tác sẽ được nâng lên. Phải quyết tâm xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp: Tận tuỵ để dân mến/Trách nhiệm để dân thương/Kỷ cương để dân trọng/Năng động để dân được nhờ.

Năm là, Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chung của toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh để thống nhất phối hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2025-2030) sẽ xác định. Không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực: Vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, trong lành về môi trường, hạnh phúc cho mọi người dân.

3. Về công tác nhân sự của Đại hội.

Tại Đại hội này, chúng ta có nhiệm vụ quan trọng là hiệp thương cử ra Uỷ ban, Ban Thường trực, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình khoá XIX (nhiệm kỳ 2024-2029). Quá trình chuẩn bị Đại hội chúng ta đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước theo quy trình, quy định. Trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí đại biểu phát huy dân chủ, đồng thuận hiệp thương cử được những người xứng đáng nhất: Có năng lực, uy tín, tâm huyết với công tác Mặt trận, trách nhiệm cao với đất nước với quê hương Thái Bình; Có cơ cấu hợp lý các thành phần, nhất là những người tiêu biểu trong công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, tôn giáo, người Thái Bình ở nước ngoài... góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết, để MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình thật sự làm nòng cốt chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Là địa chỉ tin cậy để các tầng lớp nhân dân gửi gắm niềm tin, với phương châm “cái gì khó khăn không nói với ai được thì nói với Mặt trận để Mặt trận chuyển tải thông tin, kiến nghị, giám sát cơ quan chức năng giải quyết.

Kính thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể Đại hội!

Nhân dịp này, thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; các Sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố của tỉnh… đã luôn quan tâm tạo điều kiện, phối hợp công tác để MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần để hệ thống MTTQ Việt Nam cả nước hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh để MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra.

Xin chúc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu và toàn thể Đại hội mạnh khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi; Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều