Những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận Hà Nội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bám sát định hướng chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Thành ủy và tình hình thực tiễn Thủ đô, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thứ nhất, công tác nắm tình hình, định hướng dư luận, tuyên truyền vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm thực hiện kịp thời, với nhiều hình thức đa dạng, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được đúc kết, nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của Thành phố, đó là: Đã hoàn thành 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2019 (GRDP) tăng 7,62%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 270,5 nghìn tỷ đồng, đạt 102,6% dự toán. Xuất khẩu đạt 16,739 tỷ USD, tăng 20,3%; khách du lịch quốc tế đạt 7,025 triệu lượt, tăng 17% cùng kỳ. Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đã có 6 huyện và 356/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 92,2% số xã), trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực dẫn đầu toàn quốc. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,42%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chung sức, đồng lòng, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện nhiệm vụ chính trị có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được tập trung chỉ đạo, có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên.
Thứ hai, triển khai sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, đưa các cuộc vận động dần trở thành hành động thường xuyên, tự giác của cộng đồng. Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, Hà Nội đã triển khai rất hiệu quả, được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao, qua đó cho thấy vai trò tham mưu và chủ trì triển khai các nội dung Cuộc vận động của Mặt trận Thành phố rất tích cực và chủ động. Tham gia có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của Thủ đô, nhất là các hoạt động vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn lực để xây, sửa nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn Thành phố (riêng năm 2019, đã vận động 65,9 tỷ đồng, hỗ trợ xây sửa 1.019 nhà cho hộ nghèo; năm 2019, Mặt trận Tổ quốc Thành phố được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng cờ đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong triển khai nhiệm vụ công tác). Đặc biệt vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Thành phố và các tổ chức thành viên đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nhân dân; xã hội hóa nguồn lực để phát miễn phí các trang thiết bị phòng bệnh cho nhân dân, nhất là người nghèo. Đây là hành động rất kịp thời, góp phần vào kết quả phòng, chống dịch của Thành phố và của cả nước.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường, phát huy tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân được tổ chức thực hiện khá hiệu quả ở tất cả các cấp.
Thứ tư, công tác củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Thành phố đến cơ sở được tập trung thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII, chất lượng tổ chức, hoạt động ngày càng được nâng lên, nhất là sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã bầu được 132 vị ủy viên Ủy ban. Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội cũng là một trong những địa phương xây dựng cơ cấu Ủy ban hợp lý, đại diện các tổ chức thành viên, các giai tầng xã hội; đặc biệt đã phát huy vai trò những cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban với vị trí là Phó Chủ tịch không chuyên trách tiêu biểu.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố còn một số hạn chế cần khắc phục, như: Công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình nhân dân có nơi, có lúc chưa sâu sát, kịp thời, hiệu quả còn hạn chế; một số nơi thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua còn mang tính hình thức; chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đồng đều ở các địa phương; chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền chưa có nhiều giải pháp để thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân vào tổ chức; việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng...
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém là do: Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở một số nơi chưa chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy và phối hợp với chính quyền trong chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ; một số nơi cấp ủy và chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác Mặt trận. Tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên biến động; điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Mặt trận chưa đồng đều, nhất là những địa phương còn khó khăn về thu ngân sách; chính sách đối với cán bộ Mặt trận chuyên trách chưa được quan tâm đúng mức.
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2020
Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và Thủ đô, Thành phố đã xác định chủ đề công tác năm 2020 là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”; quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố; giữ vững ổn định chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; đồng thời tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp nói riêng phải tiếp tục nỗ lực, phát huy trách nhiệm, khắc phục những hạn chế, chủ động bám sát địa bàn dân cư, nắm chắc tình hình lao động sản xuất và đời sống nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể trong Thành phố để triển khai hiệu quả các chương trình công tác của Mặt trận, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, là địa chỉ tin cậy để người dân nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Thành phố đến cơ sở cần nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt vai trò và sứ mệnh cao cả của mình, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”; “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kết hợp với giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Thành phố; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và đồng thuận trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền (theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị khoá XI và Quyết định 2200 của Thành ủy; Hướng dẫn số 02 của Thành ủy về thực hiện Quyết định 99 ngày 3/10/2017, Quy định 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư). Tổ chức các hoạt động giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Trong quá trình giám sát, cần tập trung phát hiện những vướng mắc, hạn chế để kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan liên quan kiểm tra, khắc phục kịp thời.
Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sát bằng sự giám sát của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội là để làm tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội, phát huy tính tích cực và tinh thần lao động sáng tạo. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Cần tích cực tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin và phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố đã đề ra; nhất là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào: “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; các hoạt động: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cứu trợ”, “Vì biển, đảo Việt Nam”. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và xã hội; thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, được cụ thể hóa trong chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” gắn với thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của Thành phố xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thiết thực, hiệu quả trong mỗi gia đình, tạo sự chuyển biến hành động từ mỗi người dân cho tới cộng đồng.
Bốn là, đổi mới hoạt động Mặt trận Tổ quốc các cấp; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp Nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường công tác cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân, những bức xúc của dân, không để nảy sinh các điểm nóng, phức tạp. Tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tạo nên sự phối hợp thống nhất hành động trong toàn xã hội. Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch và các hành động sai trái; Mặt trận Tổ quốc vừa là nơi người dân phản ánh các biểu hiện suy thoái, nhũng nhiễu nhân dân, vừa là nơi để mọi tầng lớp nhân dân hiến kế, góp ý trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm là, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt trong hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân; tham mưu cấp ủy chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Mặt trận, đoàn thể các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Mặt trận trong thời kỳ mới. Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời tạo điều kiện, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra.
Sáu là, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố, nhằm xây dựng và phát huy có hiệu quả vai trò của tất cả các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng Đảng bộ Thành phố ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn với các lễ kỷ niệm cấp Quốc gia, các lễ kỷ niệm của Thành phố và các hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: dân là gốc và nhân dân làm chủ, cán bộ phải là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần lắng nghe nhân dân để điều chỉnh chính sách, củng cố tổ chức, điều chỉnh chính mình; mọi hành động và việc làm đều hướng tới và vì lợi ích chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân để triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Có như vậy mới có được sự đồng thuận của nhân dân và có sự đồng thuận của nhân dân thì mới thành công.
Thành phố Hà Nội đang có tốc độ phát triển nhanh, vì vậy những khó khăn, bất cập nảy sinh trong quá trình này là khó tránh khỏi. Do đó, thông qua các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần tiếp tục động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình và truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Vương Đình Huệ
Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội