Ông Nguyễn Mạnh Quang, Chủ nhiệm đề tài cho biết, những người có uy tín luôn được cộng đồng tại nơi họ sinh sống suy tôn, tiếng nói và hành động của họ đóng vai trò như người đại diện, dẫn dắt, định hướng cho văn hóa ứng xử và giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong cộng đồng.
Trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số, chú trọng công tác phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng, công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín vẫn tồn tại nhiều bất cập, như việc lập danh sách về người có uy tín còn có sự khác nhau giữa các cấp, các ngành; chưa xây dựng được những mô hình lao động, sản xuất giỏi, công tác xã hội hiệu quả của người có uy tín; việc bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín chưa được quan tâm, làm giảm hiệu quả công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin để tuyên truyền, vận động cộng đồng ở khu dân cư…
Để phát huy vai trò người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc, nhóm tác giả đã đưa ra 8 giải pháp cụ thể như: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp đối với công tác xây dựng, bồi dưỡng người có uy tín ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số; bố trí sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với khả năng của người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ đối với các lĩnh vực của đời sống, xã hội; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người có uy tín; thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín; sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong từng điều kiện, giai đoạn cụ thể; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, đây là một đề tài gắn với yêu cầu thực tế của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Việc phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt, sau Đại hội VIII, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 01 về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát từ thực tế đó, nhóm khảo sát đã xây dựng đề tài này. Đây là đề tài hết sức cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã thể hiện chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng được đề cập một cách khá hệ thống. Việc phân tích các luận cứ, cơ sở khoa học nhóm nghiên cứu cũng đã bỏ ra nhiều công sức thu thập và có tính thuyết phục cao. Với kết cấu của một đề tài, về tổng thể chung đề tài đã có sự phân bố khá hợp lý giữa các chương. Ngoài nêu được vấn đề thực trạng, nhóm tác giả đề tài đã đưa ra được số liệu có khảo sát, đánh giá, chứng minh khá sinh động so với thực tế cũng như việc phân tích có luận cứ xác đáng.
Tại Hội nghị, phản biện đề tài đồng ý với những giải pháp mà nhóm tác giải đưa ra, hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nội dung, giải pháp mà đề tài nêu và xếp loại đề tài xuất sắc.
Hương Diệp