|
Ông Nguyễn Túc phát biểu tại Hội nghị |
Khơi dậy tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc cho rằng, điểm nổi bật nhất của công tác Mặt trận trong năm qua là sự tham gia quyết liệt trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. MTTQ Việt Nam đã chủ động đặt vấn đề, báo cáo với Trung ương, Chính phủ, từ đó tạo được sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và sự tàn phá của thiên tai, bão lũ với đồng bào miền Trung, MTTQ Việt Nam đã khơi dậy tình đồng chí, nghĩa tình đồng bào bằng nhiều việc làm cụ thể, huy động không chỉ hệ thống MTTQ các cấp mà còn các tổ chức thành viên tham gia đóng góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật.
“Có thể nói, chưa bao giờ MTTQ Việt Nam huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiều như năm nay, từ người già, trẻ em hay người giàu, người nghèo đều tham gia ủng hộ. Vật chất là thiết yếu nhưng quan trọng hơn, đó là tình người để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, trong đó có kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Đây cũng là cuộc tuyên truyền, vận động để thông qua đó nâng cao vị thế của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
Bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ban, ngành để tuyên truyền trong lễ kỷ niệm 90 năm, MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt công tác vận động, đoàn kết người dân tại khu dân cư thông qua việc tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cũng theo ông Nguyễn Túc, trong việc góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, MTTQ Việt Nam là diễn đàn để nói thẳng, nói thật vào từng vấn đề của các văn kiện.
Nêu một số ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc cho rằng, đất nước ta phải đối diện với bão lũ, hạn hán hàng năm. Do đó, trong công tác hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, người dân vùng lũ cần phải thay đổi cách làm. Cụ thể, mỗi năm MTTQ Việt Nam nên làm một nửa số nhà trong kế hoạch nhưng kiên cố hơn về chất lượng, kéo dài tuổi thọ của công trình để bão lũ không cuốn đi được.
Về cán bộ cơ sở, thực tế cho thấy tại các địa phương, các cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận với tuổi đời còn khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, uy tín, gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, MTTQ Việt Nam cần có sự căn chỉnh về cơ cấu độ tuổi, làm sao cho các cán bộ làm công tác dân vận trong độ tuổi thích hợp, có được uy tín, dày dặn kinh nghiệm, có tâm và tầm, có như vậy công tác dân vận mới đạt hiệu quả thiết thực, quy tụ được sức mạnh to lớn từ nhân dân.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Túc cũng đề nghị MTTQ Việt Nam có sự điều chỉnh phụ cấp cho các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, khuyến khích cán bộ Mặt trận.
Đồng thời, theo ông, trong công tác xây dựng Đảng, chưa có sự đi sâu, góp ý vào xây dựng đội ngũ cán bộ. “Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tại các thành phố lớn, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã có nhiều sai phạm. Đó là điều rất đáng buồn”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.
Vì vậy, ông Túc kiến nghị, đối với công tác cán bộ, cần có sự góp ý của MTTQ Việt Nam thông qua trách nhiệm giám sát, phản biện, huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đặt tên đúng cho tộc danh, tộc người
|
Ông Lù Văn Que phát biểu tại Hội nghị |
Góp ý vào báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, ông Lù Văn Que cho rằng, cần hiểu khái niệm một cách rộng rãi về người tiêu biểu chứ không nên hành chính hoá việc này, chẳng hạn, việc quy định 1 bản chỉ có 1 người tiêu biểu, có chế độ phụ cấp cho người đó là “chưa hay” và cần phải nghiên cứu lại.
Vì đây là việc người dân họ tự chọn ra người tiêu biểu của họ. “Nếu can thiệp theo kiểu hành chính hoá trong việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của những “cánh tay nối dài của Mặt trận” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lù Văn Que khẳng định.
Theo ông Lù Văn Que, công tác dân tộc cần xác định lại một số tộc người. 40 năm nay, chúng ta công bố 54 dân tộc, nhưng bây giờ có một số dân tộc chưa có tên trong danh sách này, vì đã ghép tên vào một số dân tộc khác, hoặc được đặt tên khác.
“Người Dao có rất nhiều dân tộc Dao nhưng họ thống nhất gọi là dân tộc Dao, người Mông cũng vậy, nhưng không phải dân tộc nào họ cũng thuận tình với việc ghép tên, ví dụ như Cao Lan là Cao Lan, Sán Chỉ là Sán Chỉ chứ đồng bào họ không muốn ghép thành Sán Chay”, ông Que nêu ý kiến.
Mặt trận cần bảo vệ những nhà báo đấu tranh với tham nhũng, lãng phí
|
Bà Hà Thị Liên phát biểu tại Hội nghị |
Bà Hà Thị Liên cho rằng, năm 2020 khác biệt hơn so với mọi năm do sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, mưa lũ tại miền Trung, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong khó khăn đó lại nổi lên vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam.
Cụ thể, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò chủ động của mình khi huy động được sự vào cuộc của nhân dân, kêu gọi được sự ủng hộ từ những tấm lòng nhân ái, nhiều mô hình, cách làm hay được áp dụng trong thực tế như cây ATM gạo,... Tất cả hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, đồng hành cùng với đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhắc tới vai trò của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã duy trì được việc tổ chức Giải báo chí phòng chống tham nhũng, đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí để phản ánh những vụ việc xảy ra tại địa phương.
“Có thể nói, để có được những tác phẩm này, phóng viên đã phải căng mình xâm nhập vào thực tế, đối diện với hiểm nguy. Chính vì vậy, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên cần có những cơ chế bảo vệ những người làm báo, những con người thầm lặng bám đuổi từng vụ việc, từng hành vi tiêu cực, tham nhũng”, bà Hà Thị Liên đề xuất.
Bà Hà Thị Liên cho rằng, MTTQ Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong nước để bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội,... Bên cạnh đó cũng đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ những người có uy tín tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có kế hoạch, tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người tiêu biểu, người có uy tín để truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đặt ra là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với hiện tượng sói mòn, lở đất, diện tích rừng đầu nguồn đang bị tàn phá. Chính vì vậy, với vai trò của mình, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có tiếng nói về vấn đề này để kịp thời ổn định đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân
|
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, năm qua là một năm rất khó khăn, đầy thách thức chưa từng có đối với đất nước ta do tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất đáng quan tâm.
Trước tình hình đó, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực, biến nguy thành cơ, triển khai thực hiện có kết quả toàn diện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2020, nhiều kết quả có tính chất đột phá, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
“Yếu tố nổi trội đó chính là sự chủ động, vào cuộc sớm cùng hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đối với những việc khó, việc phát sinh, hoặc việc chưa có tiền lệ, hết sức kịp thời, mau lẹ, và rất hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, qua đó cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sức mạnh niềm tin trong các tầng lớp nhân dân không ngừng được củng cố, tăng cường”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho biết, trong năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã có sự quan tâm, tập trung công tác phối hợp tham gia chăm lo và giải quyết nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với một số chức sắc cấp cao của tôn giáo được tăng cường, bài bản, nề nếp và hiệu quả.
Từ đó, vai trò cầu nối của Mặt trận và các tổ chức thành viên với Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tôn giáo ngày càng được phát huy tốt hơn, góp phần làm cho mối quan hệ giữa các tôn giáo được cởi mở, chặt chẽ hơn. Tổ chức tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng ngày càng thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận, đồng hành đối với nhiệm vụ chung của đất nước.
Để nâng cao vai trò công tác Mặt trận trong thời gian tới, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đề xuất, MTTQ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới đa dạng hóa các phương thức vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sự phối hợp, thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên và phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhất là Ủy viên Ủy ban là chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam trong đồng bào các tôn giáo.
Công khai danh sách cán bộ nhưng đảm bảo nguyên tắc của Đảng
|
Ông Phạm Thế Duyệt phát biểu tại cuộc họp |
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, năm 2020 đất nước phải đối mặt với những khó khăn khách quan do đại dịch Covid-19, những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, bão lũ nhưng trong gian khó đó Mặt trận đã có quyết tâm phối hợp với Nhà nước thực hiện tốt các chủ trương của Đảng.
Vai trò của Mặt trận đóng góp vào những thắng lợi đó đã góp phần làm nhân dân tin tưởng hơn, phấn chấn để hướng tới Đại hội XIII của Đảng.
Trong năm 2021, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là sau Đại hội XIII của Đảng, Mặt trận phải suy nghĩ sẽ hành động như thế nào để củng cố lòng tin của người dân tốt hơn.
Theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc tổ chức giám sát công khai danh sách cán bộ trước Đại hội là rất tốt nhưng vẫn phải công khai theo nguyên tắc của Đảng trong việc giới thiệu, thẩm định. Trong đó việc thông qua khu dân cư, thông qua cơ quan quản lý cán bộ, thông qua các tổ chức hệ thống giám sát để đánh giá đúng cán bộ khi giới thiệu thì đấy cũng là dân chủ.
“Ví dụ như tôi sống ở phố Thợ Nhuộm, TP Hà Nội, tôi làm cái gì, bất minh hay không thì nhân dân biết hết. Do đó, hãy mở rộng dân chủ cho người dân thẩm định, phát hiện. Hay ở cơ quan nếu giới thiệu ai thì anh em cơ quan biết hết chứ không nhất thiết phải công bố trên toàn quốc cho phức tạp”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
Cũng theo nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đảng cần tạo điều kiện giám sát cho tổ chức Mặt trận mà cụ thể là các tầng lớp nhân dân thông qua Hội Cựu chiến binh, Công đoàn… vì họ biết tất cả những tiêu cực, tham nhũng không những ở cơ quan và còn ở các nơi khác.
Năm 2021 cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn bởi lẽ nói cho cùng Đảng lãnh đạo nhưng “tìm người” có phần rất quan trọng của Mặt trận để có danh sách bầu cử.
“Chức năng của Mặt trận là tổ chức hiệp thương mà nhiệm vụ này không ai thay thế được”, ông Phạm Thế Duyệt bày tỏ.
|
Đại biểu tham dự Hội nghị |
Nhưng Mặt trận phải hiệp thương thế nào cho chuẩn để đạt được “mục tiêu kép” chọn được cán bộ đúng để thực hiện nghị quyết tốt, đồng thời cũng chọn được cán bộ ít tham nhũng, tiêu cực. “Chúng ta phải cố gắng làm cho được. Không phải nói tuyệt đối, nhưng càng làm tích cực bao nhiêu thì dân càng tin vào Mặt trận bấy nhiêu”, ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.
Ông Duyệt cũng cho rằng, nếu Mặt trận làm tốt chức năng ấy sẽ góp phần cho khoá tới có được đội ngũ cán bộ cầm cân nảy mực, cán bộ quản lý được lòng tin của nhân dân.
“Để tìm được những cán bộ như vậy chúng ta phải tổ chức tốt hiệp thương thực chất tránh hiệp thương hình thức. Nhận xét, đánh giá cán bộ cũng phải thực chất chứ đừng vì một điều gì đó mà làm giảm tính thực chất”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch Phạm Thế Duyệt cũng nhấn mạnh tới việc, Mặt trận phải cố gắng đổi mới phương pháp làm việc theo hướng thực chất. Có như vậy uy tín, vai trò của Mặt trận cũng sẽ cao hơn, đóng góp tích cực hơn cho Đảng, cho dân.
Hương Diệp - Kỳ Anh