|
Đại hội giới thiệu hiệp thương Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký của Đại hội. Ảnh Quang Vinh
|
Chiều ngày 16/10, 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp đã có mặt tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội để tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam, lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tham dự Đại hội có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX; ông Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX.
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đại biểu các Ban, Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương; các vị Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX.
|
Đại hội hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch để điều hành Đại hội và Đoàn Thư ký Đại hội. Ảnh Kỳ Anh
|
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 được tổ chức từ ngày 16 đến 18/10/2024. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch gồm 55 vị, Đoàn Thư ký Đại hội gồm 5 vị; thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội.
|
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh Kỳ Anh
|
Đại hội cũng lắng nghe báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tổng số đại biểu chính thức tham dự Đại hội là 1.052 đại biểu. Tổng số đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 là 1.052 đại biểu.
Trong đó, đại biểu đương nhiên là 337 đại biểu là các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX; Đại biểu do Đại hội cấp tỉnh và các tổ chức thành viên chọn cử là 583 đại biểu gồm: 91 đại biểu do các tổ chức thành viên ở Trung ương cử; 492 đại biểu của các địa phương do Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố hiệp thương cử.
Đại biểu chỉ định gồm 132 đại biểu là các vị dự kiến tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X; 2 vị là người đứng đầu tổ chức thành viên nhưng dự kiến cấp phó tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X; đại diện chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đăng ký hoạt động nhưng chưa có đại biểu tham dự Đại hội.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Đại hội. Ảnh Quang Vinh |
Về cơ cấu, Đại biểu là nữ: 324 vị (tỷ lệ 30,7%); Đại biểu là người ngoài Đảng: 492 vị (tỷ lệ 46,7%); Đại biểu là dân tộc thiểu số: 267 vị (tỷ lệ 25,3%); Đại biểu là tôn giáo: 209 vị (tỷ lệ 19,9%); Đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài: 21 vị (tỷ lệ 1,9%); Đại biểu là các doanh ngiệp: 152 vị (tỷ lệ 14,4%); Đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách: 271 vị (tỷ lệ 25,7%); Trình độ từ Đại học trở lên: 912 vị (tỷ lệ 86,7%), trong đó: Giáo sư, Phó Giáo sư - Tiến sĩ: 56 vị; Tiến sĩ: 85 vị; Thạc sĩ: 225 vị; Đại học, cử nhân: 546 vị.
Về độ tuổi, dưới 30 tuổi: 18 vị (tỷ lệ 1,7%); Từ 31 tuổi đến 40 tuổi: 127 vị (tỷ lệ 12%); Từ 41 tuổi đến 50 tuổi: 294 vị (tỷ lệ 27,9%); Từ 51 tuổi đến 60 tuổi: 319 vị (tỷ lệ 30,3%); Từ 61 tuổi đến 70 tuổi: 184 vị (tỷ lệ 17,4%); Từ 71 tuổi đến 80 tuổi: 86 vị (tỷ lệ 8,2%); Từ 81 tuổi trở lên: 24 vị (tỷ lệ 2,3%).
Tham dự Đại hội, Đại biểu trẻ tuổi nhất là bà Thị Hà, 20 tuổi, sinh năm 2004, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đại biểu cao tuổi nhất là Thiếu tướng Võ Sở, 95 tuổi, sinh năm 1929, Chủ tịch Hội truyền thống Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
“Tổng số 1.052 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đúng theo quy định”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Đại hội cũng thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm kiểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX; Thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam…
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bàyBáo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. Ảnh Quang Vinh |
Trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực đã chủ động bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực khóa IX; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong hoạt động của các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai, cơ bản hoàn thành chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới.
Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực là tập thể đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén với tình hình, hoạt động tập trung, nổi bật vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; luôn chú trọng nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban đã tiến hành tổ chức 10 hội nghị để thảo luận, quyết định và thông qua các chủ trương công tác lớn của hệ thống Mặt trận; ban hành và triển khai các chương trình, nghị quyết để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Đoàn Chủ tịch đã tổ chức 20 hội nghị để xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động và Nghị quyết của Ủy ban do Ban Thường trực trình xin ý kiến, trong đó đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết và những hoạt động quan trọng, trong đó tiêu biểu phải kể đến việc Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; tổ chức Lễ phát động Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”; triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ra Lời kêu gọi về ủng hộ chương trình xây dựng Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; ra Lời kêu gọi hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025; kịp thời tổ chức Lễ phát động và ra Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Ban Thường trực đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trong hệ thống Mặt trận; chỉ đạo hoàn thành xây dựng các đề án, chuyên đề lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nền nếp, bài bản việc phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sâu sát, trực tiếp và có nhiều đổi mới trong cách thức nắm bắt tình hình ở cơ sở...
|
Quang cảnh Đại hội. Ảnh Quang Vinh |
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ 6 bài học kinh nghiệm, bao gồm:
Một là, việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội; kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động và kế hoạch hằng năm đối với những việc phát sinh để thích ứng tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đối với những nội dung mới, khó cần quyết liệt, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
Hai là, nhiệm vụ xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt; tổ chức thực hiện sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương, vùng miền. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu chia rẽ Nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, xây dựng tập thể Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đoàn kết, đồng thuận, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động Mặt trận.
Bốn là, đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, hướng mạnh về cơ sở, cán bộ Mặt trận phải thực sự gần dân, sát dân, trọng dân.
Năm là, việc lắng nghe phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng, kịp thời có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước.
Sáu là, chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt với những biến động quốc tế và quá trình hội nhập của đất nước trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa X. Ảnh Quang Vinh |
Trình bày tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa X, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, nêu rõ Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX thông qua và triển khai thực hiện từ năm 2019. Qua 5 năm thực hiện Điều lệ, hệ thống Mặt trận ngày càng được củng cố, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp tục đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mới, đáp ứng vai trò nòng cốt trong đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã và đang từng bước tăng cường, củng cố, đổi mới về tổ chức bộ máy, tăng cường mối quan hệ với cơ quan Nhà nước; đảm bảo vai trò chủ trì phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì và phối hợp với chính quyền triển khai lan toả mạnh mẽ, có tác động cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua, sáng tạo trong nhân dân; công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo niềm tin trong nhân dân; vai trò của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục được nâng lên; công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Mặt trận được quan tâm thực hiện, hướng đến cơ sở, góp phần nhân rộng, biểu dương, lan toả các mô hình tiên tiến, các cách làm hay, có ảnh hưởng tốt đến các phong trào thi đua yêu nước…
Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng công tác Mặt trận nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trên cơ sở những quy định cụ thể của Đảng về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam, trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X xem xét, quyết định.
Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ đã được tổ chức triển khai chặt chẽ thông qua công tác khảo sát thực tế việc thực hiện Điều lệ; tổ chức các hội nghị, hội thảo để đánh giá những mặt được, vướng mắc, bất cập trong thực hiện Điều lệ và xin ý kiến các chuyên gia về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ; đặc biệt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gửi dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Điều lệ hiện hành và định hướng những vấn đề lớn để xin ý kiến góp ý của các Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp (xã, huyện, tỉnh)… Qua 3 lần dự thảo, Ban Thường trực đã trình Đoàn Chủ tịch (tại Hội nghị lần thứ 20), Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (tại Hội nghị lần thứ 10) để thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ và xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trình Đại hội đại biểu lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Dự thảo Điều lệ cơ bản giữ nguyên kết cấu của Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện hành, gồm Phần đầu, 8 chương, 37 Điều. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Phần đầu và 6 Điều trên tổng số 37 Điều, đồng thời biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản, một số từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất tại một số Điều, Khoản.
Cụ thể là sửa đổi về chế độ họp thường kỳ của UBTƯ MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp với chế độ thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời đối với các hoạt động của MTTQ Việt Nam; Sửa đổi, bổ sung để thể hiện rõ thẩm quyền của Ban Thường trực; Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo Quy định số 120-QĐ/TW ngày 06/9/2023 của Bộ Chính trị trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương; Biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản tại một số Điều, Khoản quy định đối với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thống nhất, đồng bộ với cấp Trung ương; quy định về hình thức Kỷ luật... để phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Luật MTTQ Việt Nam
Trên cơ sở nội dung của Tờ trình, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những thay đổi chính và lý do cần thiết của việc sửa đổi để từng bước đưa hoạt động của Mặt trận thích ứng với thời đại mới.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài TP HCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật Ủy ban MTTQ TP HCM phát biểu. Ảnh Kỳ Anh
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm trọng tài TP HCM, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật Ủy ban MTTQ TP HCM cho rằng, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận diện thẳng thắn khi nhận định những kết quả đã làm được và những vấn đề còn tồn tại; nhìn nhận về thực tế để nhận thức rằng, những gì làm được không chỉ của UBTƯ MTTQ Việt Nam mà là sự tập trung, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền. Đặc biệt, có sự lãnh đạo rất sâu sắc của Đảng trong từng hoạt động của Mặt trận.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Điều lệ MTTQ Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung 12 phần, trong đó phần đầu đã bổ sung "MTTQ Việt Nam làm nòng cốt chính trị để nhân dân làm chủ". Đó là sự kết hợp vô cùng quan trọng, khẳng định vai trò nòng nốt của MTTQ để nhân dân làm chủ. Bên cạnh đó, những kết quả đạt được không chỉ từ Trung ương mà còn đến từ các cấp của Mặt trận. Vì vậy, trong Điều 12 của Điều lệ đã bổ sung thêm Tổ tư vấn tại xã. Theo báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đến nay cả nước 43/63 tỉnh, thành phố đã có mô hình Tổ tư vấn tại xã, đây là điều vô cùng quan trọng.
Luật sư Trương Thị Hòa cho biết, để phát huy được hoạt động giám sát, phản biện, sự đóng góp của mọi người rất quan trọng, bởi tư vấn và phản biện đòi hỏi tính khoa học rất cao. Vì vậy, vai trò của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học rất quan trọng. Trong sửa đổi Điều lệ, tại Điều 20 cũng đã bổ sung việc có chế độ đối với các chuyên gia , cán bộ biệt phái phục vụ cho hoạt động của UBTW MTTQ Việt Nam.
Nêu ý kiến đại biểu Đặng Văn Khoa – Đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình khi Báo cáo kiểm kiểm hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã được soạn thảo rất khúc triết, tinh gọi nhưng rất đầy đủ đã chắt lọc được những điều cốt lõi nhất, nêu rõ những thành công và thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế cũng như vạch ra được những bài học kinh nghiệm để chỉ ra con đường của MTTQ trong thời gian tới khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên sau 50 năm thống nhất hoà bình đất nước.
Tuy nhiên đại biểu Khoa cũng bày tỏ băn khoăn khi vẫn còn những tồn tại hạn chế đã được nhận diện từ 5 năm trước, và trong nhiều Hội nghị UBTW MTTQ Việt Nam giờ vẫn được nhắc lại. Đó là sự bày tỏ thái độ chính kiến của MTTQ Việt Nam, của Đoàn Chủ tịch, của Ban Thường trực trước những vấn đề nóng bỏng,mới phát sinh mà đại đa số tầng lớp nhân dân quan tâm, băn khoăn thắc mắc còn chưa đủ tầm, có khi chưa đúng lúc.
“Mặt trận vẫn còn chưa chủ động chưa được quyết liệt, chưa được đi đến cùng sự việc, mang tất cả những tâm tư nguyện vọng mong muốn , trí tuệ, ý chí của nhân dân trong các hoạt động động giám sát phản biện” ông Khoa nêu vấn đề và cho rằng hơn ở đâu hết, MTTQ là nơi nói tiếng nói của toàn dân chỉ khi nào Mặt trận nói lên một cách thẳng thắn quyết liệt nhất, tiếng nói của cả lòng dân thì sự gắn bó của nhân dân với Mặt trận sẽ bền vững lâu dài và mãi mãi.
Ông Khoa cũng kiến nghị, trong nhiệm kỳ mới cần có cơ chế phong phú hơn, đa dạng hơn để phát huy cao nhất vai trò trách nhiệm của mỗi vị Ủy viên Ủy ban để huy động được sức mạnh trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban ở mọi ngành nghề, mọi miền trong và người Việt Nam ở ngoài nước từ đó góp sức cùng Đoàn chủ tịch tạo ra sức mạnh lớn lao hơn của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam phát biểu. Ảnh: Kỳ Anh.
GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, báo cáo chính trị và phương hướng tốt, thành tựu rất rõ vai trò của MTTQ Việt Nam.
Theo ông Long, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam đề ra 6 chương trình hành động, trong đó có chương trình nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, các vấn đề lớn của Việt Nam.
Muốn nâng cao vai trò vị thế của MTTQ Việt Nam trong chương trình hành động nhiệm kỳ mới cần quan tâm đến “nâng cao công tác tư vấn, giám định và phản biện chứ không chỉ giám định và phản biện”.
“Phản biện là rất tốt nhưng “tư vấn” mới là quan trọng. Tư vấn những vấn đề rất quan trọng bức xúc của xã hội thì mới là vấn đề cốt lõi” ông Long nêu ý kiến và mong rằng trong nhiệm kỳ này Đại hội đã đưa ra khẩu hiệu đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát triển, MTTQ Việt Nam tiếp tục tập hợp rộng rãi, đông đảo nhất đội ngũ khoa học, doanh nghiệp, nông dân. Nếu trong 1 nhiệm kỳ làm một vài nhiệm vụ lớn như vậy thì có thể tin rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ trở thành cường quốc trong thời gian rất ngắn.
|
Các đại biểu phát biểu tại Phiên làm việc thứ nhất Đại hội. Ảnh Kỳ Anh
|
Tiếp thu ý kiến Đại biểu tham dự Đại hội, thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận của đại biểu; đồng thời khẳng định, các ý kiến thảo luận sẽ được tổng hợp vào báo cáo tổng hợp ý kiến tham luận, thảo luận tại Đại hội, trình bày tại phiên bế mạc Đại hội.
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Đại hội |
Tại Đại hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung.
Hương Diệp - ảnh Kỳ Anh, Quang Vinh