|
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại Lễ kỷ niệm. |
Dự Lễ kỷ niệm có bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; cùng đại diện lãnh Tỉnh ủy, HĐND, UBND và đại diện gia tộc đồng chí Lê Đức Thọ.
Đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà nho, ở vùng đất có truyền thống yêu nước. Trong 64 năm hoạt động cách mạng, qua các thời kỳ với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng về nhiều mặt, nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao.
Tại lễ kỷ niệm, ôn lại những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh, đồng chí Lê Ðức Thọ thuộc lớp cán bộ tiền bối của Ðảng. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, kiên cường, đồng chí luôn thể hiện rõ là một nhà hoạt động chính trị giàu kinh nghiệm, tài năng nhiều mặt.
Ðồng chí Lê Ðức Thọ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, có ý nghĩa quan trọng, được thể hiện trên nhiều mặt, từ việc nghiên cứu tổng kết lý luận, đến đào tạo, huấn luyện, bố trí, sắp xếp cán bộ, xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước...
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Paris, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện rõ tầm vóc của một nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược khiến đối phương phải nể phục, dư luận quốc tế đánh giá cao.
Trong cuộc đấu trí quyết liệt với những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm hàng đầu của Mỹ, đồng chí đã cho thấy sự sắc sảo và kiên định trong đấu tranh đàm phán, nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phát huy sức mạnh của mặt trận ngoại giao cùng với các mặt trận quân sự, chính trị, linh hoạt, khôn khéo trong những tình huống cụ thể, kết hợp “vừa đánh vừa đàm” đã mang đến thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973. Thắng lợi tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam...
Nam Định tự hào là quê hương của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong những lần về thăm, làm việc, đồng chí luôn dành thời gian lắng nghe, tìm hiểu thực tiễn; động viên, chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định chung sức đồng lòng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống.
Học tập và phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển; tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030, đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
|
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng nhớ công lao đồng chí Lê Đức Thọ. |
Trước đó, tại Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại xã Nam Vân (thành phố Nam Định), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ dâng hương nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021).
Hương Diệp - ảnh Báo Nam Định