|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Trà Hương
|
Làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Bá Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lương Đức Minh, Tỉnh ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Trong 10 năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 218 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; kịp thời xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa quy định phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ban hành 19 nghị quyết, chỉ thị có liên quan trực tiếp đến nhân dân, đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều ý kiến tham gia đóng góp có giá trị và được cơ quan tham mưu dự thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu.
MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực, chủ động thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chất lượng, nội dung góp ý ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Từ năm 2014-2022, tỉnh đã tổ chức được 438 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân; 687 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân và 1.017 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Tuấn Khanh phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Trà Hương
MTTQ tỉnh lấy ý kiến của hội đồng tư vấn, ủy viên ủy ban, cán bộ mặt trận tỉnh vào Dự thảo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự (sửa đổi); phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng hợp 78.502 lượt ý kiến tham gia góp ý về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và hơn 76.000 lượt ý kiến góp ý về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Từ năm 2016 đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã đối thoại trực tiếp được 14 cuộc; Tỉnh Đoàn phối hợp, tham mưu tổ chức được 3 cuộc đối thoại với ĐVTN và 2 chương trình tọa đàm; LĐLD tỉnh tổ chức 2 cuộc đối thoại…
MTTQ các cấp phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hàng trăm cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp và phản ánh kịp thời đến Quốc hội, với cấp ủy chính quyền và tại kỳ họp HĐND các cấp. Nhiều ý kiến là cơ sở để các cơ quan Nhà nước ban hành các chính sách đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình cơ sở, giải quyết những vấn đề bức xúc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những kết quả trong việc thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị tại tỉnh Vĩnh Phúc; đặc biệt là sáng tạo của tỉnh trong việc phát huy hiệu quả mạng xã hội trong lấy ý kiến nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; những khó khăn trong việc đóng góp ý kiến với người đứng đầu cũng như việc nhân dân trực tiếp góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Trà Hương
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh khẳng định: Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm và có nhiều giải pháp, sáng tạo trong việc thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định 218, thời gian tới, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống dân vận trong tỉnh nêu cao vai trò của mình, vận động nhân dân trở thành chủ thể tích cực tham gia góp ý, đề xuất với cấp ủy chính quyền những sáng kiến mới, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Bám sát các nội dung trọng tâm, trọng điểm của tỉnh và địa phương để xây dựng nhiệm vụ, chương trình góp ý phù hợp; Tăng cường đối thoại, cầu thị tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại sau giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Cùng với đó cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư công cộng đồng, Ban công tác mặt trận, Tổ hòa giải cơ sở; Phát huy vai trò của hội đồng tư vấn, các vị nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu có uy tín; triển khai chương trình phối hợp hành động giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai Quyết định 218 và các chương trình phối hợp hoạt động với các cơ quan liên quan; chú trọng tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, sáng tạo của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị trong 10 năm qua; đồng thời đề nghị tỉnh cần bám sát hơn nữa một số nội dung trong quyết định; đồng thời yêu cầu cùng với nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, khi xã hội càng phát triển thì việc lấy ý kiến đóng góp của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền càng có vai trò quan trọng.
"Thời gian tới, Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cần tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, tập trung khắc phục những tồn tại trong thực hiện Quyết định 218.", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở và nhấn mạnh đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo Trung ương để có chỉ đạo trong thời gian tới.
Theo Báo Vĩnh Phúc