|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tăng cường năng lực Hội đồng Nhân dân thành phố
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Về mô hình tổ chức, dự thảo Luật quy định: Thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật quy định tăng cường năng lực của Hội đồng Nhân dân thành phố trên cơ sở kế thừa, bổ sung Nghị quyết số 160/2021/QH14 cũng như quy định cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội - dự kiến được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc, thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
“Thành phố thuộc thành phố” này có những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù. Cụ thể như, phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch...
Phạm vi, lĩnh vực phân quyền phải rõ ràng
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Ông Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Theo đó, phạm vi, lĩnh vực phân quyền phải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực thực hiện của chính quyền Thủ đô và dựa trên những điểm đặc thù, khác biệt, riêng có của Hà Nội với tính chất là Thủ đô của cả nước.
Song song với việc phân quyền cho chính quyền tại Thủ đô, Luật cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện, cơ chế kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực đó được thực hiện, phát huy tác dụng trên thực tế và phải được kiểm soát chặt chẽ.
Về tổ chức chính quyền tại Thủ đô, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng việc củng cố, nâng cao năng lực của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Rõ trách nhiệm
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với chủ trương cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.
Cho rằng chủ trương này là rất đúng, đã đặt ra ngay từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, ông Bùi Văn Cường đề nghị cần phải triển khai sớm và quyết liệt.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
“Thực tế phát triển Thủ đô thời gian vừa qua, nhất là sau khi sự việc đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại Khương Hạ, cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini khác cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát," Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Cường cho rằng đây là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó công tác quản lý chưa nghiêm. Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và của thành phố đã đặt ra từ lâu song triển khai rất chậm chạp.
Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương. Tuy nhiên, hồ sư Dự án Luật chưa thấy biện pháp và lộ trình di dời.
Nhắc lại vụ cháy Chung cư mini tại Khương Hạ vừa qua là rất đau xót, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu giao cho thành phố Hà Nội có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt liên quan đến một số lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, giao thông... Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật."
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo Luật tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù phù hợp. Việc phân cấp, phân quyền đủ mạnh song cần rõ trách nhiệm, rõ cơ chế kiểm soát quyền lực. Ví dụ như, phân cấp cho Thủ đô quyết định biên chế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)