|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Sửa đổi luật lần 3
Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019. Đây là lần thứ 3 sửa đổi, bổ sung Luật.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin, việc sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm chính sách gồm: Quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Sửa đổi luật cũng nhằm khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung là 94 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (chiếm 42%) và Luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chính phủ cho rằng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng lớn điều luật sẽ dẫn đến bất cập trong tuyên truyền phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật. Do đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được đổi tên dự án Luật thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, song nhiều ý kiến cho rằng, không nên đổi tên dự án Luật như đề xuất của Chính phủ, bởi trong quá trình thẩm tra đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm định đều thống nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu đổi tên Luật là đổi phạm vi sửa đổi toàn diện, khi đó phải nghiên cứu toàn bộ các quy định hiện hành, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan; cùng với đó phải đáp ứng yêu cầu về mặt quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành việc đổi tên thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).
Sửa đổi toàn diện nếu cần thiết
Dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là một dự án luật khó, chuyên ngành sâu, lĩnh vực tổng hợp. Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và các nội dung trình; đồng thời ghi nhận các ý kiến thẩm tra kỹ lưỡng, sâu rộng, có tham khảo ý kiến chuyên gia.
Cho rằng hồ sơ dự án luật đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe ý kiến thẩm tra và ý kiến của các cơ quan hữu quan tại phiên họp để nghiên cứu và có báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đổi tên luật, dẫn đến sửa đổi toàn diện. Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, số lượng điều luật sửa đổi nhiều hay ít không quan trọng, mà là bản chất nội dung sửa đổi. Quốc hội sẵn sàng chấp nhận sửa đổi toàn diện nếu cần thiết, và khi đó sẽ trả lại hồ sơ để làm lại từ đầu theo đúng quy trình.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với việc quy định theo phương án giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có thêm giải trình tiếp thu làm rõ; đồng thời tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đa dạng sinh học, Luật Trồng trọt, Luật Giá…
Về đề xuất không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự, ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Liên quan đến bảo vệ pháp luật, bảo vệ công dân, tổ chức, khi vi phạm khách thể nào thì xử lý theo khách thể đó. Khi vi phạm trật tự quản lý nhà nước, kỷ luật công vụ thì phải chịu trách nhiệm hành chính; khi gây thiệt hại thì phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự. Các trách nhiệm này không thể thay thế nhau. Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đang làm tốt, nay lại đề xuất bỏ đi như vậy là bỏ một phần quản lý nhà nước nên cần cân nhắc.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị hết sức chú ý các vấn đề khác như đáp ứng các cam kết quốc tế, các nhóm quy định về sở hữu công nghiệp, nhóm quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và nhóm vấn đề về giống cây trồng...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phản ánh đầy đủ toàn diện các ý kiến góp ý, tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo để đi đến đồng thuận về các vấn đề lớn, bảo đảm chất lượng dự án luật trước khi trình Quốc hội; đề nghị cơ quan soạn thảo có tiếp thu giải trình bước đầu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021) tới.
Theo Xuân Tùng (TTXVN)