Thông điệp hành động, lan tỏa tinh thần “Hội nghị Diên Hồng”

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV được đánh giá là quy mô lớn nhất từ trước tới nay, toàn diện trên các lĩnh vực, đánh giá việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành đã khép lại thành công tốt đẹp. Sau tất cả, điều hành thông minh, nhuần nhuyễn và rõ ràng, bao quát được tất cả các vấn đề, gợi mở thêm các nội dung để đại biểu chất vấn làm rõ của Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước.

 

Theo đến cùng vấn đề

Đây là phiên giám sát đặc biệt nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thể hiện rõ nhất trong thời gian ngắn Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn. Điều này không chỉ thể hiện rõ sức nặng của kỳ họp, có tính chất đánh giá giữa nhiệm kỳ trên các lĩnh vực mà còn để cử tri, Nhân dân thấy rõ quyết tâm hành động của Quốc hội, Chính phủ hoàn thành mục tiêu kế hoạch mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Sức “nóng” của nghị trường thực sự đã lan tỏa vào trong ý chí, định hướng hành động, đồng hành xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hòa bình, phát triển bền vững của mỗi một người dân đất Việt.

Sức “nóng” của nghị trường phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ chính các ĐBQH - linh hồn của phiên họp. Nhiều đại biểu rất trách nhiệm, theo đến cùng vấn đề, trong đó có những vấn đề từ nhiệm kỳ trước vẫn được đại biểu theo dõi, nắm chắc thông tin để “truy vấn”. “Tôi cực kỳ yêu thích phần chất vấn của nữ đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) khi đặt câu hỏi đề nghị tới các bộ: Thông tin và Truyền thông; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng bạo hành. Đại biểu có những dẫn chứng mà hiện nay dư luận quan tâm và cách chất vấn rất thông minh, gãy gọn nhưng đầy đủ.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, vì một Việt Nam hùng cường

Theo dõi phiên họp, nhiều cử tri bày tỏ hài lòng bởi khối lượng thông tin phiên họp đưa đến cũng như trách nhiệm của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng khi đăng đàn trả lời. Với cử tri Lê Huy Vịnh, thành phố Vinh, Nghệ An, chưa khi nào ông được chứng kiến một phiên chất vấn, trả lời chất vấn bao quát, đủ đầy lại tốc độ nhanh, gọn, rõ ràng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.

Cử tri ấn tượng với phần trả lời của "tư lệnh ngành" nội vụ khi nói về tiền lương và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng là người nhận được nhiều câu chất vấn gai góc, nhất là về vấn đề đầu tư công dành cho ngành giao thông vận tải. Bằng trí tuệ, trách nhiệm, Bộ trưởng đã trả lời rất rõ ràng, có trách nhiệm các vấn đề được chất vấn. Đúng như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi kết luận phiên họp: phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành. “Cử tri chúng tôi mong muốn những lời hứa mà người đứng đầu Chính phủ và các bộ đã cam kết sẽ sớm được hiện thực hóa” - cử tri kỳ vọng.

Nhiều đại biểu và cử tri cũng bày tỏ tin tưởng vào trách nhiệm và sức nặng của “lời hứa” thẳng thắn, không vòng vo của nhiều bộ trưởng, trưởng ngành khi đăng đàn. Trong các nội dung chất vấn, có lẽ phần chất vấn của đại biểu và trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như các bậc cử tri. Cử tri Lê Thị Thu, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh nhìn nhận Bộ trưởng đã rất thẳng thắn khi cho biết hiện có gần 1.000 tài sản công cấp tỉnh, huyện sau khi sắp xếp chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí. Bộ trưởng cũng không né tránh khi nhận rõ trách nhiệm và chỉ ra các giải pháp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cơ quan, đơn vị, gây lãng phí rất lớn tại nhiều địa phương, cử tri cũng rất quan tâm đến các giải pháp xử lý dứt điểm bởi nó đã tồn tại khá lâu, mong muốn ngành tài chính sẽ tham mưu các giải pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến khâu sử dụng tài sản công - cử tri khẳng định.

Quản lý, sử dụng tài sản công chặt chẽ, đúng quy định cũng là cách để thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như kết luận của Chủ tịch Quốc hội, đó là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được tiếp tục đẩy mạnh với phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tăng cường kiểm toán, thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công”. Đây cũng là vấn đề mà qua các cuộc TXCT, cử tri rất quan tâm. Chắc chắn trong thời gian tới, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được chấn chỉnh - cử tri Hoàng Thông, huyện Eah’Leo, Đắk Lắk tin tưởng.

Sau tất cả, điều hành thông minh, “biết đóng biết mở”, nhuần nhuyễn và rõ ràng, bao quát được tất cả các vấn đề, gợi mở thêm các nội dung để đại biểu chất vấn làm rõ của Chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội đã tiếp tục truyền đi thông điệp đổi mới, hành động và lan tỏa tinh thần “Hội nghị Diên Hồng” tới các tầng lớp Nhân dân, cử tri cả nước, kiều bào ở nước ngoài; nỗ lực đồng hành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực, hoàn thành khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, vì một Việt Nam hùng cường trong tương lai.

Theo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều