|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Quần thể Di tích cố đô Huế. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đến nay mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” vẫn chưa đạt được. Do đó, cách đây hơn 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên - Huế.
Dự thảo Nghị quyết cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giúp Thừa Thiên - Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất 4 chính sách chủ yếu liên quan đến phí tham quan di tích, Quỹ bảo tồn di sản Huế, mức dư nợ mà tỉnh được vay và sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý. Đây là những chính sách quan trọng tạo điệu kiện thuận lợi để Thừa Thiên - Huế có thể sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, như mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo TTXVN/Báo Tin tức