Lương của một cô giáo mầm non nghỉ hưu sau 37 năm cống hiến chỉ được 1,3 triệu đồng. Nghỉ hưu rồi cô vẫn phải làm thuê kiếm sống. Trường hợp của cô không phải là cá biệt, bởi lương của rất nhiều giáo viên, công chức, viên chức hiện nay cũng rất thấp, không tạo động lực cho sự sáng tạo, cống hiến, thúc đẩy xã hội phát triển.
Thế nhưng, cũng là cán bộ, công chức nhiều người lại giàu có quá mức bình thường, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Cũng đi làm cho nhà nước, hưởng lương theo ngạch bậc mà nhiều người có tiền xây biệt phủ, mua nhà ở nước ngoài…
Nhiều cán bộ công chức giàu bất thường.
Phải thừa nhận rằng, rất nhiều người làm trong cơ quan Nhà nước chỉ có đồng lương. Nhưng có người chỉ coi cơ quan Nhà nước là bàn đạp kiếm tiền. Cái khoản kiếm thêm ấy hơn vạn lần tiền lương.
Ai cũng hiểu, thiên tai lụt lội đang xảy ra ở dải đất miền Trung có một phần nguyên nhân rất lớn từ việc phá rừng. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nói rằng, phải có cán bộ Nhà nước “bảo kê” thì mới phá rừng tràn lan như thế. Tham nhũng là ở đó chứ đâu xa.
Rồi cũng chính đại biểu Quốc hội thẳng thắn nói rằng, nhiều quan chức có “bồ nhí, vợ bé” để tẩu tán tài sản. Đó là tham nhũng.
Nhiều người lợi dụng vị trí, chức vụ của mình để lôi kéo, tuyển dụng người thân vào bộ máy Nhà nước. Nhiều người trong số đó năng lực không có nhưng có thừa thủ đoạn để hành dân, hành doanh nghiệp, kiếm lợi cho bản thân. Khi mà bộ máy quá cồng kềnh, ngân sách không thể gánh nổi thì lương thấp, lương thấp thì những kẻ thi hành công vụ lại kiếm cớ hành doanh nghiệp, kiếm chác cho bản thân. Cái vòng luẩn quẩn ấy nếu không giải quyết được gốc rễ là vấn đề con người thì sẽ mãi ỳ trệ, đất nước không thể cất nổi mình.
Đất nước ta nghèo không phải vì chúng ta không có tiền. Mà nguyên do là chúng ta quản lý đồng tiền còn yếu kém, để những kẻ cơ hội lợi dụng kẽ hở tư túi cá nhân. Thế nên mới có chuyện, một số cán bộ rất giàu nhưng đất nước lại nghèo.
Những năm qua, nhà nước phải đau đầu cân đối nguồn tiền để tăng lương cho người lao động mà khó quá. Nếu quản lý tốt ngân sách Nhà nước, không để thất thoát trong đầu tư, không có những đại án nghìn tỷ…thì chắc chắn không thiếu tiền cho việc tăng lương.
Tham nhũng huỷ hoại đạo đức xã hội, tạo sự bất bình đẳng vô cùng lớn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống tham nhũng nhưng cách nào để phòng, chống tệ nạn này một cách hiệu quả nhất? Quốc hội bàn, người dân cũng tham gia hiến kế. Xem ra nếu làm tốt hai chữ “minh bạch” thì tham nhũng sẽ bị đẩy lùi. Khi mọi vấn đề từ kê khai tài sản, phát hiện và xử lý tham nhũng còn chưa tới nơi tới chốn thì còn thiếu minh bạch. Và khi đó, khả năng để tăng lương cho những người cống hiến, làm việc thực sự vẫn còn rất nan giải.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN