Tiếp tục chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần của người có công

Lần đầu tiên, 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện cho gần 5.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã về thủ đô Hà Nội trong chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020”.

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), sáng 25/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng và quà tặng đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tham dự buổi gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ ngành. Đặc biệt là sự có mặt của 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 4.962 Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước.

Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Báo Nhân Dân, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

 

300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho 4.962  Bà  mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước về dự gặp mặt.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng dự buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc hôm nay, “dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng các mẹ của chúng ta đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này”.

Đây là dịp thể hiện những tình cảm chân thành sự quan tâm sâu sắc của Đảng của Nhà nước và đồng bào chiến sỹ cả nước đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ vĩ đại đã hy sinh hiến dâng những người thân yêu ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nêu rõ, sự cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu.

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người từng hơn “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn tri ân và biết ơn sâu sắc.

Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được biết dù phần lớn tuổi cao sức yếu song với ý chí nghị lực phi thường, các mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thủ tướng cho biết, đến nay 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, nhiều người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. “Đây là những nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi trong lòng chúng ta”.

Thể hiện trách nhiệm lớn lao và tình nghĩa sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các hệ thống chính trị và toàn xã hội. “Chúng ta phấn đấu đến hết năm nay bảo đảm 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú”, Thủ tướng khẳng định. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Các địa phương thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các mẹ phải sống cô đơn, thiếu thốn, ốm đau không người chăm sóc hằng ngày, quan tâm hơn nữa đến những người, diện người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ mộ liệt sĩ; tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vật chất kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định gen xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, và nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. 

Bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ cải thiện nhà ở xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công cách mạng, quan tâm, chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở, trước hết là đối với trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao chất lượng các phong trào, các chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, đồng đội chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ…

Mặt khác, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện; thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan bảo đảm quyền lợi người có công, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thực hiện chính sách đối với người có công.

Theo Kim Thanh/Dangcongsan.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều