Dự kiến tổng thời gian làm việc là 17 ngày: đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 1/11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 8 đến ngày 13/11/2021.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này sẽ thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Nội dung kỳ họp cũng bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua; rút Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên Liên minh châu Âu theo đề nghị của Chính phủ (vì tính đến hết tháng 9/2021, hiệp định này chưa có hiệu lực do chỉ có 8 trong tổng số 27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định). Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện. Quốc hội sẽ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch COVID-19 trong phiên khai mạc kỳ họp.
Tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đây là đề án lớn, nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, có tầm nhìn dài hạn nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hiện nay đã gần thời điểm khai mạc kỳ họp, Bộ Chính trị chưa kịp cho ý kiến nên đề nghị chưa bố trí trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của nhân dân” thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của nhân dân và cử tri đến với Quốc hội. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án Luật và 5 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 5 dự án luật.
|
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Liên quan đến việc biểu quyết thông qua các nội dung, ông Bùi Văn Cường cho biết, theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad; tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 3 lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, Quốc hội đã thử nghiệm được một lần vào ngày 8/10/2021 và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu để áp dụng tại kỳ họp này. Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội; thống nhất với phương án tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, đồng thời có phương án dự phòng trực tuyến cả kỳ, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Thời gian làm việc chỉ 17 ngày là bước cải tiến lớn, rút gọn thời gian rất nhiều so với thông lệ các kỳ họp cuối năm trước đây bởi kỳ họp cuối năm phải xem xét nhiều nội dung mà vẫn đảm bảo chất lượng. Nếu tổ chức chặt chẽ, bố trí chương trình hợp lý thì đây là kinh nghiệm có thể tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Nhấn mạnh đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tinh thần là tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các quyết sách đúng đắn nhất. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm qua nhiều vòng, nhiều lớp, nhất là sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở các phiên họp.
“Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế xã hội đòi hỏi cố gắng nỗ lực vượt bậc trong quý IV để đạt kết quả cao nhất. Tinh thần chung là Quốc hội đồng hành với cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc hội có thể làm việc thêm vào chủ nhật để sớm bế mạc Kỳ họp thứ 2, đồng thời có thể sẽ họp thêm chuyên đề vào cuối năm để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Theo Phan Phương (TTXVN)