Tinh gọn bộ máy, tránh được tình trạng “6 ông bà cùng xuống một nơi”

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ Quảng Ninh: hoạt động mô hình Cơ quan khối, tránh được tình trạng khi ở xã có việc cả 6 đại diện 6 tổ chức ở huyện cùng xuống…

Mới đây, tại Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, phần lớn các ý kiến cho rằng, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước và của MTTQ Việt Nam như là yêu cầu khách quan của sự đổi mới đất nước.

Hiện nay, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Tỉnh đã thực hiện mô hình Cơ quan khối cấp huyện đã được triển khai tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, đã nhất thể hóa chức danh trưởng Ban Dân dân cấp ủy và Chủ tịch MTTQ huyện tại tất cả các địa phương. Đến nay, phương án hợp nhất ban Dân vận và MTTQ cấp tỉnh cũng đã được thực hiện.

 Ông Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (ảnh: báo Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhận định, trong 2 năm hoạt động thí điểm, mô hình này đã khắc phục được tình trạng hành chính hóa, giảm được các cuộc họp, các cuộc kiểm tra. Xây dựng được bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo, tinh giản được biên chế…

Hợp nhất 5 tổ chức chính trị-xã hội vào MTTQ sẽ khó khả thi?

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng Quảng Ninh làm và nghiên cứu rất kỹ, các điều lệ, quy định của pháp luật. Nếu chọn phương án hợp nhất hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của MTTQ thì phải sửa luật, kể cả Hiến pháp cũng phải sửa.

Điều 9 Hiến pháp 2013 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.

“Hiến pháp đã quy định rõ như vậy nên phương án hợp nhất các tổ chức chính trị-xã hội vào MTTQ là không khả thi vì khi đó sẽ phải sửa Điều lệ và Hiến pháp”- ông Hưởng nói.

Mô hình Cơ quan khối: Tránh tình trạng 6 tổ chức cùng xuống một nơi

Về phương án giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội hiện nay, tuy nhiên có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện, ông Hưởng cho rằng, phương án này cũng sẽ khó thực hiện.

“Liên quan đến kinh phí, vậy có chấp nhận khoán kinh phí đến các tổ chức chính trị-xã hội không, nếu khoán mấy chục phần trăm, còn mấy chục phần trăm anh tự lo là khó. Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ. Nếu làm được như vậy là tốt, không có vấn đề gì cả. Ngoài việc triển khai nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức chính trị, cơ quan đó có thể tham mưu cho cấp ủy, anh phải phải tham mưu cho Tỉnh ủy, vì Ban Dân vận là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy. Chúng tôi triển khai mô hình này và không vướng gì về luật, vướng gì về Điều lệ. Làm được như thế chắc chắn biên chế sẽ giảm, công việc sẽ hiệu quả hơn, tránh chồng chéo”- ông Hưởng nhấn mạnh.

Theo ông Hưởng “chúng tôi cũng chỉ đạo thông suốt từ tỉnh xuống huyện, cơ sở. Chúng tôi cũng thành lập thống nhất hành động chung, Phó Bí thư có thể là Chủ tịch Mặt trận, là trưởng khối ở cấp xã, triển khai liên thông từ tỉnh xuống cơ sở, không có gì vướng, rất thuận lợi. Trước kia chỉ làm đến cấp huyện, bây giờ làm ở cấp tỉnh lại càng thuận lợi”.

Theo mô hình Cơ quan khối ở Quảng Ninh hiện nay, Bí thư Đoàn vẫn là trưởng các tổ chức chính trị-xã hội, là Phó khối. “Chủ tịch Hội phụ nữ thì vẫn là Chủ tịch Hội phụ nữ, họ vẫn sinh hoạt Thường vụ, hoàn toàn không mất chức năng của họ. Chỉ có những nhiệm vụ tương đồng thì giờ một người làm, tránh chồng chéo. Ví dụ, như ở cấp huyện khi ở xã có việc thì cả 6 ông bà đại diện 6 tổ chức xuống, giờ chỉ có một người, đỡ rất nhiều cho cơ sở. Còn nhiệm vụ thay vì trước kia anh chỉ có 2-3 người thì giờ có 20 người, việc phân công nhiệm vụ cũng dễ hơn. Thứ nữa là kinh phí, biên chế tiết kiệm hơn, công việc lại hiệu quả hơn”- ông Hưởng nhấn mạnh.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều