Ông Võ Văn Thiện và Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Lê Thanh Liêm tuyên dương điển hình “Trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó”.
Theo Ban tổ chức, tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 582 thương binh nặng; có 132 thương binh đặc biệt nặng, trong đó có 42 thương binh có cuộc sống khó khăn. Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã vận động để thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng.
Nhiều cuộc đời kể đến khiến các đại biểu tại hội trường xúc động. Có thể kể đến câu chuyện của người thương binh Nguyễn Phan Tâm, trở về từ chiến trường Campuchia với hai bàn tay trắng, nhưng với nghị lực sắt đá, được chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi giúp đỡ, tạo điều kiện, từ túp lều ven đường, hằng ngày phải xin rơm của bà con nông dân bán cho nông trường nuôi con ăn học, về sau có được chút tiền, ông nuôi heo, gây đàn. Đàn heo tăng từng ngày, từ 20 con, đến nay gia đình ông có tổng đàn nái là 200 con, heo thịt 1.000 con.
Đó còn là câu chuyện của ông Mai Trung Ty, thương binh hạng 1/4, bị cụt 1/3 đùi trái, ngực phải vẫn còn một mảnh đạn, mắt trái bị đục thủy tinh thể, nhưng ông vẫn vun nỗ lực cho con cái ăn học thành tài.
Một câu chuyện khác, cũng bước ra từ cuộc chiến, trở về trên người đầy vết tích chiến tranh, bị mìn nổ gãy cột sống, đứt tủy, gãy xương chậu, được giám định là thương binh rất nặng, chỉ sống được 5 năm, nhưng đến nay, thương binh Nguyễn Hải Quý đã sống được hơn 30 năm nhờ bàn tay chăm sóc của người vợ Lê Hồng Ngọc.
Hội trường cũng lặng đi khi nghe câu chuyện xúc động về người thương binh Lê Minh Dương, bản thân cũng là thương binh, còn phải chăm sóc cho người vợ là thương binh nặng 10 năm; là tấm lòng của người mẹ bà Đỗ Thị Thanh Thu, thương binh hạng ¾ ở quận Tân Bình, lo cho con trai bị nhiễm chất độc da cam / dioxin… Mỗi một cuộc đời, lại có những nỗi đau, mất mát, nhưng trong họ đều ẩn chứa sức mạnh của tình thương lớn lao dành cho người thân, sự hy sinh và nỗ lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh.
Trong niềm xúc động, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố trải lòng: Chiến tranh đã đi qua, để lại rất nhiều đau thương và mất mát. Nhưng đó là chặng đường vẻ vang, anh hùng của nhân dân Việt Nam. Những thương binh đi ra từ cuộc chiến tranh, đã để lại một phần thân thể của mình ở chiến trường, nhưng họ vẫn hiên ngang, giữ vững khí phách của bộ đội Cụ Hồ, đối đầu một cách kiên trung với những khó khăn đời thường, đứng vững và đi lên. Đó là một kỳ tích, đóng góp không nhỏ quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trao thưởng cho các tác phẩm đoạt giải.
Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tuyên dương 110 gương thương binh vượt khó và tổ chức trao giải cuộc thi viết “Gương trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó”. Sau gần 2 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút gần 3.070 bài viết tham gia. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 4, phường 12, quận 6; 2 giải nhì; 3 giải ba; 15 giải khuyến khích và 5 giải phong trào dành cho các đơn vị có nhiều người tham gia.
Hầu hết tác phẩm tham gia cuộc thi đã ghi lại những câu chuyện phong phú, cảm động, khắc họa các gương thương binh “tàn nhưng không phế”. Không ít bài viết giới thiệu tấm gương chung thủy, nghĩa tình, những thân nhân hết lòng chăm sóc cho những thương binh “trọn nghĩa vẹn tình”. Đáng chú ý, tác phẩm về tấm gương vượt khó của tác giả Đặng Nguyễn Phương Ngân, giáo viên trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, viết về nữ anh hùng thương binh Nguyễn Thị Mỹ ở huyện Củ Chi. Tác phẩm đã khắc họa về cuộc đời đầy sóng gió và sự nỗ lực phi thường của người thương binh trở về sau chiến tranh, với mất mát thương tật sau 3 lần cưa chân ở tuổi đôi mươi. Trở về sau chiến tranh với đôi nạng gỗ, mang trong mình những vết thương đạn bom do kẻ thù để lại, bằng sự nỗ lực phi thường… giờ đây, bà đã làm chủ một xưởng xay đậu phộng và một trang trại chăn nuôi, trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi tại huyện Củ Chi.
Lê Mây