|
Quang cảnh cuộc làm việc |
Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng; Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông có các Thứ trưởng: Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã tập trung thảo luận về việc xây dựng Đề án chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng phần mềm hỗ trợ việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; thảo luận về việc chuẩn bị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2020 – 2025 và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tại cuộc làm việc
Hai bên cũng tập trung thảo luận nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, từng bước tạo lập dữ liệu để cán bộ Mặt trận dễ dàng truy cập, sử dụng. Từ đó góp phần tăng tốc độ xử lý công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian; xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông.
Bên cạnh đó, tạo lập kho dữ liệu số MTTQ Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu về công tác Mặt trận; Phối hợp xây dựng ứng dụng và đào tạo triển khai hệ thống để hỗ trợ thực hiện các chức năng của MTTQ Việt Nam. Trong đó, tập trung nắm bắt tình hình nhân dân, hỗ trợ công tác giám sát; đánh giá sự hài lòng của người dân; hỗ trợ các hoạt động cứu trợ; an sinh xã hội; hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc làm việc
Ngoài ra, việc chuyển đổi số cũng nhằm cung cấp công cụ quản lý, chia sẻ dữ liệu và tạo môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức quản lý và điều hành công việc một cách hiệu quả hơn; tăng cường công khai, minh bạch trong công vụ, phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với đó, việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ góp phần đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; phát triền các nền tảng số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin…
Từ nội dung cuộc làm việc, hai bên thống nhất sẽ sớm hoàn thiện Đề án chuyển đổi số của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn 2025-2023, tầm nhìn đến năm 2035 để trình Chính phủ phê duyệt, triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu, công việc của Mặt trận trong giai đoạn mới.
Hương Diệp - ảnh Đức Thuận