|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn đầu tiên, trả lời nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm về: Nguyên nhân dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 và gây tổn thất nặng nề, bài học kinh nghiệm; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong công tác dự báo, tham mưu các kịch bản, phương án đối với thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược vaccine; nguyên tắc phân bổ công bằng vaccine; rủi ro trong việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi; công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19; tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động nhập khẩu bộ kit test xét nghiệm; thời điểm vaccine trong nước được cấp phép và đưa vào sử dụng; việc kết hợp áp dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19.
Bộ trưởng đã nêu những giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến và các vùng miền, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh, chất lượng khám, sàng lọc; giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã; việc sắp xếp, bố trí mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế đối với người lao động bị ngắt quãng; quá trình đóng bảo hiểm y tế do mất việc làm...
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đã giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Nghị quyết đánh giá tốc độ dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng và năng lực y tế của từng địa phương. Các địa phương có trách nhiệm đánh giá tình hình dịch trên địa bàn, từ đó đưa ra những giải pháp áp dụng một cách phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực tế trong thời gian qua, các địa phương cũng đã đánh giá được cấp độ dịch trên từng địa bàn với quy mô tuyến xã và nhỏ nhất có thể. "Nghị quyết 128/NQ-CP đã quy định rất rõ, vì vậy, các địa phương cần phải tuân thủ theo", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.
Chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19, việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, đặc biệt lĩnh vực y tế rất quan trọng. Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT đã nêu rất rõ, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đặc biệt hệ thống y tế (hạ tầng, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức cấp cứu...). Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động triển khai hiệu quả tất cả các biện pháp về phòng, chống dịch.
Bộ trưởng đánh giá, hiện nay có một số địa bàn, một số nơi, có tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đối với tình hình dịch. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn y tế đã chỉ đạo không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác và liên tục phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch tại từng địa phương cũng như quy mô dân số, mức độ mắc, vấn đề giao lưu đi lại, tình hình khu công nghiệp... nhiều địa phương triển khai những biện pháp khác nhau. Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời, cơ bản trên toàn quốc đã áp dụng một cách đồng bộ.
Cùng tham gia trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm rõ nhiều nội dung đại biểu và cử tri quan tâm.
Giải trình, làm rõ hơn câu chuyện phân cấp trong hệ thống y tế trên địa bàn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với ý kiến đại biểu về việc cần rà soát và xem xét một cách hết sức căn cơ, cụ thể trong vấn đề quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế ở cấp tỉnh, cấp huyện. Theo Bộ trưởng, việc giao Trung tâm Y tế, gồm Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế của các cơ sở xã, phường, thị trấn cho UBND cấp huyện quản lý là rất phù hợp với yêu cầu này. Sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo với Chính phủ để có thể thực hiện phân cấp được ngay. Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát để phân cấp tiếp các cơ sở khám, chữa bệnh y tế hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế quản lý cho các tỉnh, tức là phân cấp theo lãnh thổ. Như vậy sẽ hiệu quả hơn, vừa sát với yêu cầu thực tiễn, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm quản lý của địa phương đối với các cơ sở sự nghiệp nói chung, sự nghiệp y tế nói riêng trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải đáp băn khoăn của đại biểu Quốc hội về những vướng mắc trong vấn đề tài chính liên quan đến y tế tuyến huyện. Theo Bộ trưởng, bệnh viện cấp huyện là do Sở Y tế quản lý, do vậy, HĐND, UBND tỉnh phân bổ dự toán cho Sở, Sở lại phân bổ cho huyện. Quản lý tài chính của y tế cấp huyện là do Sở Y tế quản lý. Áp dụng mô hình này, “tỉnh ở xa, mà huyện ở gần, xa thì không phải đến, mà gần lại không có quyền, cho nên vấn đề y tế của cấp huyện vẫn có những thiệt thòi, hạn chế, từ vấn đề xây dựng cơ sở vật chất cho đến quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra và giám sát”. Nêu quan điểm trên, Tư lệnh ngành Tài chính cho rằng, Trung tâm Y tế cấp huyện và y tế cấp xã là hết sức quan trọng, nên có thể giao về cho huyện, thành phố và thị xã quản lý, Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Ông đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu lại mô hình này, có báo cáo với Chính phủ.
Liên quan đến trách nhiệm của ngành Công an trong việc cùng với ngành Y tế phòng, chống bệnh dịch và xử lý số vụ án, vụ việc có liên quan đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn, đã được lực lượng Công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng". Theo Bộ trưởng, "Các vụ việc này không phải do lỗi lỗi cơ chế hoặc hệ thống. Đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật, có những vi phạm hình sự, rất đáng phải xử lý. Trước khi xử lý hình sự, đối với cơ quan điều tra, Bộ Công an đều yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự cá nhân của từng cá nhân trong từng vụ việc. Thứ hai, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi rồi xử lý các đối tượng này. Ví dụ thông đồng với nhà thầu để đẩy giá máy móc, thiết bị, có ăn chia nhau, có trích phần trăm trong những việc đó. Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng và đều bị xử lý".
Là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ những ngày đầu, “nằm trong vùng dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả những ý kiến của đại biểu Quốc hội về các bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch đều rất đúng. Có những vấn đề mới xuất hiện trong quá trình chống dịch, khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng bộc lộ cả những thứ tồn tại từ trước, không chỉ trong ngành Y tế mà cả trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung.
“Những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cần được nghiêm túc tiếp thu, từng bước khắc phục chắc chắn nhưng phải rất khẩn trương. Không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa qua xảy ra nữa”, Phó Thủ tướng cho biết.
|
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Kết luận phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nắm vững các nội dung và trả lời hết tất cả các câu hỏi, các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội quan tâm và trả lời cơ bản đi đúng vào các nội dung chất vấn; làm hài lòng đa số các đại biểu tham gia chất vấn. Không có đại biểu nào có yêu cầu chất vấn thêm hoặc chất vấn lại.
Kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về vấn đề đã chất vấn, đưa ra những mục tiêu, yêu cầu, thời hạn để Chính phủ, Bộ trưởng và các bộ, ngành liên quan triển khai. Các cơ quan của Quốc hội giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá việc thực hiện.
Thời gian còn lại của phiền làm việc chiều, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý ngành về giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc...
Liên quan đến việc khắc phục những hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ là phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. "Hiện nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người yếu thế, người có công, về nước sạch và vệ sinh môi trường… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.
Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đối với lĩnh vực lao động- thương binh và xã hội.
Ngày 11/11, nội dung này sẽ tiếp tục được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)