|
Dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông kết nối vùng khó khăn đến trung tâm huyện Bù Ðốp (Bình Phước) đang được đẩy nhanh tiến độ.
|
Nói đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Bình Phước thì huyện Bù Gia Mập được nhắc đến đầu tiên. Ðây là huyện miền núi, biên giới, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36%, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Do đó, Bình Phước có nhiều chính sách ưu tiên phát triển, tạo điều kiện để người dân an cư, lạc nghiệp, hỗ trợ người dân về vốn, cây trồng, vật nuôi… giúp đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình. Sự quan tâm nêu trên thể hiện qua các dự án an sinh xã hội, đặc biệt là đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động ba dự án định cư: Tiểu khu 42 (xã Ðắk Ơ), tiểu khu 119 (xã Phú Nghĩa) và tiểu khu Ðắk Á (xã Bù Gia Mập).
Dự án Tiểu khu 42 được thành lập hơn mười năm trước nhằm hỗ trợ định canh, định cư cho các hộ dân khó khăn về đất ở, đất sản xuất ở xã Phú Văn và Ðắk Ơ. Trong giai đoạn đầu thành lập, dự án không được người dân mặn mà; mặc dù, khi đến đây ở được Nhà nước cấp đất xây nhà kiên cố, cấp đất sản xuất, hỗ trợ vật tư, thiết bị khác. Lý do, một phần do nơi ở mới còn khó khăn về hạ tầng, nước sạch trong mùa khô, đặc biệt là tâm lý đồng bào không muốn rời xa nơi mình đã gắn bó nhiều năm trước.
Với quyết tâm xây dựng Tiểu khu 42 trở thành một nơi an cư, lạc nghiệp cho đồng bào nghèo, lãnh đạo tỉnh Bình Phước, huyện Bù Gia Mập đã đầu tư xây dựng hạ tầng, nhựa hóa tuyến đường kết nối từ trung tâm xã vào khu dân cư. Ðồng thời, xây dựng các công trình thiết yếu, như: trường học, nhựa hóa, bê-tông hóa các tuyến đường nội ô Tiểu khu 42, xây dựng đập dự trữ nước phục vụ dân sinh và phát triển nông nghiệp.
Ðến nay, tại dự án định canh, định cư tại Tiểu khu 42 huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ cấp đất sản xuất cho 125 hộ, với tổng diện tích 108,915 ha; cấp đất ở cho 167 hộ dân và xây dựng 101 căn nhà. Với nỗ lực của chính quyền và sự vượt khó của người dân, hiện cuộc sống của hơn 100 hộ dân tại Tiểu khu 42 đã dần ổn định, vườn cây đang bước vào thu hoạch.
Tiểu khu 42 dần phát triển trù phú trên tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước, đây không chỉ là dự án định canh, định cư cho người dân nghèo mà còn trở thành một cột mốc, điểm tựa bảo vệ biên cương.
Ông Ðiểu Lai là một trong những hộ dân sớm nhất chuyển đến sinh sống tại đây cho biết: Trước đây, khu này còn nhiều khó khăn: không điện, đường, không nước sạch…, đến nay được Nhà nước đầu tư bài bản cho nên cuộc sống của người dân đã ổn định, kinh tế dần phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên. Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng đồng bào quyết tâm phát triển vùng đất nơi biên giới này thành quê hương yên bình, trù phú.
Trước đây, khu này còn nhiều khó khăn: không điện, đường, không nước sạch…, đến nay được Nhà nước đầu tư bài bản cho nên cuộc sống của người dân đã ổn định, kinh tế dần phát triển, đời sống tinh thần được nâng lên. Mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng đồng bào quyết tâm phát triển vùng đất nơi biên giới này thành quê hương yên bình, trù phú.
Ông Ðiểu Lai
|
Còn huyện Bù Ðăng tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%, đời sống còn nhiều khó khăn. Ðược sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, nhiều năm qua huyện Bù Ðăng được phân bổ hàng chục dự án từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn huyện nâng cao đời sống, bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại, trao đổi hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Mới đây, huyện Bù Ðăng đã khánh thành dự án đường giao thông nông thôn giúp người dân đi lại thuận lợi. Dự án được đầu tư tại thôn 8, xã Ðồng Nai do huyện Bù Ðăng làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối năm 2022 gồm các hạng mục cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường với tổng chiều dài hơn 5,3 km và trang bị hệ thống năng lượng mặt trời chiếu sáng (141 bộ đèn), với tổng kinh phí 14,307 tỷ đồng. Sau gần 155 ngày thi công, công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Anh Ðiểu Thâm, một người dân xã Ðồng Nai thường xuyên đi qua tuyến đường này chia sẻ: "Ngoài việc góp phần phát triển vùng có đông đồng bào sinh sống, dự án này còn góp phần giảm các loại tội phạm, vì được đầu tư hệ thống chiếu sáng ban đêm. Chúng tôi mong muốn, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng và các dự án phát triển kinh tế để xã Ðồng Nai ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng đi lên".
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh Bình Phước có 58 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (có năm xã, 25 thôn đặc biệt khó khăn) của 10 huyện, thị xã, thành phố được thụ hưởng chương trình.
Theo đó, tỉnh được Chính phủ phân bổ nguồn vốn thực hiện 10 dự án thành phần, gồm 12 tiểu dự án và 30 nội dung, chính sách hỗ trợ. Tổng kế hoạch nguồn vốn của giai đoạn 2021-2025 là 1.758.312 triệu đồng. Ðể giải ngân vốn đầu tư công, Bình Phước đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ba chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án để bảo đảm đúng đối tượng và hiệu quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Trần Tuệ Hiền
|
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, năm 2023 là năm bản lề, giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác quản lý vốn đầu tư công của tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, một phần do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, ở một số nơi cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện.
Ðể phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong đó, phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị đề cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước tăng cường giám sát, đôn đốc, theo dõi tiến độ các công trình; ngoài việc thường xuyên xuống tận các công trình trọng điểm kiểm tra thực tế và thực lực đơn vị thi công, hằng tuần đều giao ban định kỳ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án, từng chương trình để kịp thời điều chuyển vốn những dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn, cần vốn để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng trong năm.
Theo Nhất Sơn/Báo Nhân dân