|
Ban Thanh tra nhân dân giám sát công trình cải tạo rãnh thoát nước, mở rộng đường. Ảnh minh họa |
Hiện Hải Hà đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Kế hoạch 183/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh là đơn vị tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đi sâu vào những việc khó, vùng khó, là các thôn, bản, xã giáp biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi trong tư duy và hành động; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập; lắng nghe người dân, phát huy tính giám sát và phản hồi từ nhân dân...
Đặc biệt, công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, thị trấn trong huyện đã từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn, tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, thực hiện dân chủ cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, của địa phương và cơ sở trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hải Hà luôn duy trì thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) cho các xã, thị trấn; triển khai các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh gắn với hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng.
Từ đó, lồng ghép kết quả hoạt động vào các kỳ họp hàng năm để cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm đối với hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ các xã, thị trấn. Đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn MTTQ cấp dưới chủ động đưa công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng vào chương trình hành động và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác Mặt trận hàng năm; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân và các thành viên Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ cập nhật các văn bản cũng như các thông tin quan trọng khác…
Đến nay, Huyện đã thành lập 11 Ban TTND với 132 thành viên và 15 Ban GSĐTCĐ. Nội dung giám sát được xây dựng chi tiết, cụ thể dựa trên tình hình thực tế hàng năm của địa phương như: giám sát việc bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng đường cao tốc, KCN cảng biển Hải Hà, KĐT phía Nam thị trấn Quảng Hà, đất lâm nghiệp; giám sát việc thi công các công trình xây dựng trường học, trạm y tế, kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn… Trong năm 2021 và 2022, Ban GSĐTCĐ đã triển khai thực hiện giám sát 35 công trình hạ tầng từ nguồn vốn của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và chương trình nông thôn mới, phát hiện và đưa kiến nghị 05 vụ việc.
Tại xã vùng cao Quảng Sơn, đời sống của bà con dân tôc Dao (chiếm 98%) có nhiều đổi mới, những ngôi nhà mới được xây dựng nhiều hơn; đường làng, ngõ xóm cũng sạch sẽ... Ngay từ đầu năm 2022, huyện đã phân công cho cán bộ, viên chức của xã, các thành viên trong Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Quảng Sơn bám sát các hộ dân để nắm tình hình đời sống của bà con, cùng giúp bà con áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với các cấp chính quyền, MTTQ xã tích cực vận động nhân dân, các đoàn viên, hội viên tham gia phong trào, mỗi đoàn thể nhận từ 1-2 nội dung cụ thể: Hội Nông dân vận động giúp đỡ các hội viên sản xuất giỏi, nâng cao thu nhập; Đoàn Thanh niên thực hiện vệ sinh môi trường; Hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh phát động phong trào “thắp sáng đường quê”...
Việc các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân đều được giám sát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và tiến độ, giảm thiểu tối đa những sai phạm trong quá trình thi công thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ. Hiện, 100% đường liên thôn nơi đây được bê tông hóa, các hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa đều đảm bảo. Đời sống của người dân khấm khá hơn, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt hơn 90%. Dự kiến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM ở xã chỉ còn 1,45% (14 hộ).
Thôn 5, xã Quảng Phong là thôn đặc biệt khó khăn với 100% hộ dân là người dân tộc Dao. Nằm trong chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trên địa bàn triển khai nhiều chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ sản xuất. Ban GSĐTCĐ thường xuyên vận động người dân trong xã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phối hợp giám sát các công trình khi được triển khai, nhất là theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và nhà thấu, liên quan đến môi trường, các quy trình, quy phạm, định mức vật tư, loại vật tư theo quy định để tránh gây lãng phí, thất thoát vốn dự án. Trong quá trình giám sát đã kịp thời phát hiện một số hạng mục công trình thi công không đúng thiết kế cùng nguyên vật liệu đầu vào để yêu cầu nhà thầu làm lại đúng thiết kế và sử dụng nguyên vật liệu đúng chủng loại trong dự toán để đảm bảo chất lượng.
Có thể nói, hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ tại huyện Hải Hà là một phương thức chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Qua đó đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng công trình đầu tư trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên việc giám sát còn nhiều khó khăn về chính sách, pháp luật, kiến thức quản lý kinh tế, hiểu biết kỹ thuật xây dựng, nên việc tìm người tham gia Ban TTND, Ban GSĐTCĐ theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn là rất khó khăn. Qua đánh giá sơ bộ, hiện có 80% Ban TTND và Ban GSĐTCD hoạt động, số còn lại hoạt động hạn chế. Trong quá trình hoạt động, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm và các hoạt động giám sát đột xuất; nội dung còn chồng chéo nên hiệu quả giám sát chưa cao; công tác tập huấn, bồi dưỡng cho Ban TTND, Ban GSĐTCĐ chưa thường xuyên; kinh phí hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ cấp xã còn khó khăn…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, UBND và các ngành liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chủ động, tích cực thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở quy định về quản lý đầu tư, chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn xã, thị trấn.
MTTQ hướng dẫn bầu chọn thành viên các Ban đảm bảo dân chủ, khách quan, lựa chọn người có uy tín, tiêu biểu, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cơ bản, có bản lĩnh. Xây dựng đầy đủ quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động giám sát và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ gắn với địa bàn dân cư. Tổ chức hoạt động sơ kết, tổng kết hàng năm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm tiếp theo.
MTTQ các cấp chú trọng tập huấn thường xuyên nâng cao năng lực cho thành viên Ban TTND và Ban GSĐTCĐ, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, giúp các thành viên có kiến thức phân tích nguồn vốn, chương trình đầu tư để chủ động trong công việc giám sát. Cần có cơ chế động viên khuyến khích bằng khen thưởng khi Ban TTND và Ban GSĐTCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng mức hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Ban.
Ngoài ra, UBND các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin các văn bản, số vốn, các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn và cung cấp thông tin cần thiết cho Ban giám sát; thường xuyên xem xét trả lời, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật mà Ban đưa ra.
Hải Yến - HQ