|
Dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc cho trẻ em là cách tốt nhất để phòng, chống bạo lực trẻ em. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
|
Vui chơi, giải trí góp phần rèn luyện cho trẻ những phẩm chất cơ bản về trí tuệ, đạo đức, thể chất; giúp trẻ phát triển kỹ năng hình thành nhân cách, nhận thức về xã hội, tăng khả năng giao tiếp với con người và thế giới tự nhiên…
Ðiều 17, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí. Ngoài ra, trẻ được bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi. Theo Nghị định số 131/2022/NÐ-CP ngày 31/12/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Ðiện ảnh, trên các kênh truyền hình trong nước có phát phim, phim cho trẻ em được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ...
Ngày nay, số lượng trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí ngày càng tăng. Các khu vui chơi, chương trình giải trí… được xây dựng, tổ chức ngày một nhiều. Không ít diễn đàn trẻ em được tổ chức để trẻ có nhiều cơ hội tham gia bày tỏ ý kiến của mình về vui chơi, giải trí.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, có thể thấy trên cả nước, vẫn còn nhiều trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn, phải lao động sớm, không được bảo đảm quyền vui chơi, giải trí. Tình trạng thiếu điểm vui chơi cho trẻ còn phổ biến. Việc quy hoạch, đầu tư và quản lý các điểm vui chơi cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của các cấp chính quyền một số địa phương, các thành viên trong gia đình về quyền được vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa đầy đủ, nhất là tại vùng sâu, vùng xa,...
Bảo vệ, bảo đảm quyền được vui chơi, giải trí của trẻ là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và gia đình. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần xác định việc xây dựng nhà thiếu nhi, khu vui chơi, giải trí tại cộng đồng cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nghiên cứu ban hành quy hoạch tổng thể và chính sách phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ; tăng cường giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật, chính sách về giáo dục và vui chơi, giải trí cho trẻ, đặc biệt vùng sâu, vùng xa.
Các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người về các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có vui chơi, giải trí; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại các địa phương; xây dựng văn bản hướng dẫn bảo vệ trẻ em trước những thông tin, tư liệu có hại cho sự phát triển lành mạnh...
Theo Hoàng Phan/Báo Nhân dân