|
Người dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn (Nguồn Internet) |
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, những năm trở lại đây, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo điều kiện trực tiếp cho các đồng bào DTTS vươn lên, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn. Một số chính sách không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ; kinh tế - xã hội trong vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển và chưa đồng đều; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế; một số người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Mặc dù tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, song do quỹ đất hạn chế nên hiện nay tình trạng hộ thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn nhiều. Năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã triển khai rà soát có 290 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất ở, 745 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất để làm cơ sở hỗ trợ cho đồng bào…
Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025. Đến nay có 8/8 huyện, thành phố thành lập BCĐ Chương trình và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đơn vị. Tại cấp xã thành lập BCĐ, Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong năm 2022, tỉnh đầu tư hơn 495 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn vùng DTTS. Cụ thể, tập trung vào mở các tuyến đường lâm nghiệp; xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung; phát triển đa dạng hàng hóa nông sản… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng DTTS và miền núi; đồng thời làm tốt công tác định canh, định cư; quy hoạch, sắp xếp khu dân cư hợp lý để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, phát triển giáo dục, đào tạo việc làm, y tế, văn hóa; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.
Do tỉnh có đặc thù là nhiều đồng bào DTTS và còn khó khăn về nhiều mặt, do vậy việc phát huy nội lực là rất hạn chế. Đối với các dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, việc huy động sự đóng góp của người dân bằng tiền hoặc ngày công đều rất khó. Đây cũng là áp lực của địa phương trong việc cân đối nguồn lực ngân sách địa phương. Cùng đó, trình độ năng lực quản lý các xã thuộc khu vực III vùng đồng bào DTTS còn rất hạn chế, nên việc thực hiện đồng thời nhiều dự án trên địa bàn sẽ không tránh khỏi những khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn và phát huy thế mạnh của vùng, trong thời gian tới, tỉnh đề ra các giải pháp triển khai đồng bộ trên địa bàn, đó là: Đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở xã, thôn, bản về hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội thông qua tổ chức Mặt trận. Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện cho hoạt động triển khai và giám sát. Cần có chế độ tiền lương, phụ cấp hợp lý cho đội ngũ làm công tác Mặt trận để họ tâm huyết và gắn bó lâu dài với công việc này; thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã được phân bổ nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để người làm công tác Mặt trận và người dân có cơ hội tiếp cận với thông tin liên quan đến nội dung, chương trình, đối tượng, phạm vi giám sát. Kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định, chính sách phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế của địa phương…
Hạnh Nguyễn