Phum Sóc Khmer háo hức chờ đón Ngày hội lớn

Chỉ còn không đầy một tuần nữa là đồng bào Khmer Nam bộ lại đón chào sự kiện lớn 5 năm mới tổ chức một lần, đó là Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII.

Đội ghe chùa Bưng Tróp (Kom Pong Tróp), xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đang tập luyện. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Ngày hội năm nay được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer là: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Diễn ra từ ngày 6 - 8/11/2022, nhưng ngay từ những ngày cuối tháng 10, không khí của Ngày hội tại các Phum, Sóc đông đồng bào Khmer ở Sóc Trăng đã rộn ràng, người dân đang háo hức đón chờ ngày hội tới.

Nhiều hoạt động đặc sắc

Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển", Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022, sẽ diễn trong 3 ngày chính (6 - 8/11), nhưng các hoạt động thể thao, xúc tiến du lịch, giao lưu văn hóa được tổ chức ngay từ những ngày đầu tháng 11.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng ban Chỉ đạo Ngày hội, Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch; tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước.

Với ý nghĩa đó, Ngày hội năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, như trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của các địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, Ngày hội còn có các hoạt động thể thao, hoạt động du lịch như kéo co, bóng đá, bi sắt, cờ ốc; tổ chức đoàn khảo sát, khám phá du lịch tại Sóc Trăng…

Giải đua lập kỷ lục mới - Hứa hẹn tranh tài quyết liệt

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII cho biết: Ngày hội năm nay được tổ chức lồng ghép với Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu long nên sẽ hứa hẹn sự tranh tài quyết liệt, đông đảo của các đội ghe Ngo, các vận động viên tranh tài đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng là hoạt động sôi nổi, hào hứng nhất trong năm và năm nay sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn. Đến thời điểm này đã có 56 đội ghe Ngo của 7 tỉnh trong khu vực đăng ký thi đấu, trong đó có 45 đội ghe Ngo nam và 11 đội ghe Ngo nữ. Sóc Trăng là địa phương có số đội ghe Ngo nhiều nhất với 40 đội, kế tiếp là Bạc Liêu 9 đội. Số lượng ghe Ngo và vận động viên tham dự đua ghe Ngo năm nay nhiều hơn những năm trước, trong đó lượng vận động viên tham gia đua cũng đạt mức kỷ lục với khoảng 6.000 người.

Những lần tổ chức trước đây, chỉ trong 2 ngày diễn ra đua ghe Ngo, Sóc Trăng đã thu hút khoảng 400.000 người đến tham quan, du lịch. Năm nay, Lễ hội Óoc Om Boc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng được tổ chức trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ nên hứa hẹn sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan hơn.

Thông tin về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với Công an các địa phương và Công an thành phố Sóc Trăng triển khai lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố về tham dự Ngày hội. Lực lượng Công an còn huy động tối đa lực lượng, bố trí các chốt trực cố định, các Tổ tuần tra lưu động, xe ưu tiên nhằm kịp thời điều tiết, phân luồng giao thông đường bộ và đường thủy trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội và giải Đua ghe Ngo, bảo đảm cho người dân đi lại thông suốt, không để xảy ra tình trạng móc túi, cướp giật, mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Phum Sóc Khmer háo hức đón chờ ngày hội lớn

Những ngày này, tại các địa bàn đông đông bào Khmer ở Sóc Trăng, không khí tập luyện chuẩn bị đua ghe Ngo ở các chùa, hoặc những nhóm câu lạc bộ cờ ốc, bi sắt, kéo co, bóng đá mi ni... những môn thế mạnh của đồng bào Khmer, đang được tập luyện, chuẩn bị sôi nổi. Tại các chùa, các “nghệ nhân” là những sư sãi đang khẩn trương sửa chữa, sơn phết, đóng mới Ngo và tập hợp thanh niên trai tráng trong bổn sóc tập luyện chuẩn bị cho Giải, làm không khí tại các chùa thêm rộn ràng, vui tươi, náo nhiệt.

Tại chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành, không khí của buổi tập chuẩn bị cho giải đua ghe Ngo năm nay thật đặc biệt và chu đáo. Tum Núp là ngôi chùa có đội ghe giành hạng nhất đối với ghe Ngo nam và giải nhì đối với ghe Ngo nữ vào năm 2020. Rất đông phật tử, từ người già đến trẻ em tề tựu về ngôi chùa để xem vận động viên tập luyện. Các vận động viên cũng thể hiện rõ sự phấn khởi, quyết tâm tiếp tục giành thứ hạng cao ở mùa giải năm nay.

Anh Ngô Thanh Hậu, vận động viên chùa Tum Núp, chia sẻ: Năm 2021 do dịch bệnh nên không tổ chức bơi ghe, năm 2022 giải được tổ chức lại, các vận động viên rất vui, phấn khởi, ai cũng cố gắng tập luyện và có tinh thần rất tốt.

Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo giữ vai trò, vị trí quan trọng, là tài sản quý giá, thiêng liêng, là bộ mặt của một ngôi chùa và bổn sóc. Ghe ngo của đồng bào Khmer có chiều dài khoảng 30m và có từ 55 - 60 tay bơi. Mũi và lái của ghe ngo đều cong, trên chiếc ghe ngo được trang trí hoa văn rất sặc sỡ. Mỗi khi đến lễ hội, sư sãi, ban quản trị chùa và bà con phật tử rất hào hứng tham gia.

Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Núp cho biết, năm nay chùa có 3 ghe Ngo tham gia giải đua, với 2 ghe Ngo nam và 1 ghe Ngo nữ. Vận động viên, Ban quản trị chùa có sự chuẩn bị, tổ chức tốt để tham gia giải đua sắp tới. Giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer, mang tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là dịp muốn trình diễn, quảng bá văn hóa của đồng bào Khmer đến du khách.

Đến các chùa Khmer những ngày này, nhất là lúc chiều tối, sẽ dễ bắt gặp những tiếng còi, tiếng cổ vũ, cùng nhịp bơi đều đặn kéo nước cuồn cuộn của các vận động viên tập bơi đua. Đồng bào Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Sau một ngày lao động, chiều về, bà con tạm gác lại chuyện đồng áng, gia đình để cùng tụ tập về chùa tập bơi ghe Ngo.

Ngày Hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ đang đến gần, không khí tập luyện sôi nổi, sự chuẩn bị công phu và công tác tổ chức của các cấp, ngành tỉnh Sóc Trăng đang được tiến hành khẩn trương, tất cả vì sự thành công của Ngày hội và cũng là đáp ứng sự kỳ vọng vào một “sân chơi lớn” của đồng bào Khmer Nam bộ.

Theo Trung Hiếu (TTXVN/Báo Tin tức)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều