Ra mắt cuốn sách về lịch sử họ Khúc Việt Nam

(Mặt trận) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ấn hành cuốn sách “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam” do Tiến sĩ Khúc Minh Tuấn chủ biên. Đây là một công trình rất có ý nghĩa với bạn đọc, nhất là những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cổ đại và trung đại. Cuốn sách góp thêm nguồn sử liệu quý giá, đáng tin cậy, nghiên cứu về họ Khúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cuốn sách ra mắt lần này là kết quả Hội thảo khoa học diễn ra hồi tháng 5/2022, do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức với chủ đề “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc với nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, có giá trị học thuật cao. Trên cơ sở đó, nhiều bài viết, tham luận, ý kiến tại Hội thảo được lựa chọn, biên soạn, tập hợp thành cuốn “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam” xuất bản lần này.

Cuốn sách về lịch sử họ Khúc Việt Nam có nhiều tư liệu quý giá
Sách dày gần 800 trang được TS Khúc Minh Tuấn chia làm ba chương, gồm: Chương I- Sự nghiệp trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X; Chương II- Đánh giá hành trình và công lao của Tam Khúc chúa; Chương III- Tài liệu về họ Khúc và cuộc Trung hưng đất nước của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ. Nhìn tổng quan, sách được bố cục khoa học, cách trình bày có hệ thống giúp người đọc dễ theo dõi, tiện tra cứu.

Đặc biệt đây là nguồn tư liệu quý giá, là tài liệu tham khảo có giá trị. Đại Việt sử ký tiền biên đã ghi: “Họ Khúc người Hồng Châu, đời đời là họ lớn, ông nội là Thừa Dụ, tính khoan hòa, mến người, được mọi người suy tôn kính phục. Tăng Cổn đời Đường bỏ phủ thành chạy, Thừa Dụ xưng làm Tiết độ sứ, xin mệnh triều đình. Vua Đường nhân đó trao chức ấy. Hạo dựa vào cơ nghiệp cũ, giữ La Thành, cũng xưng làm Tiết độ sứ”. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ viết: “Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người quy phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Nhà Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La Thành, tự xưng Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã… Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn”.

Bên cạnh các nguồn tư liệu cổ sử, trong công trình lần này, nhiều vấn đề có góc nhìn mới được đưa ra xem xét như các tham luận: Họ Khúc trong tiến trình hình thành dân tộc Việt Nam (Nguyễn Ngọc Cư, Lê Thị Xuân - trang 71); Những đóng góp của họ Khúc nhìn từ sự vận động của lịch sử Việt Nam thế kỷ X (PGS,TS Trần Thị Thu Lương - trang 100); Họ Khúc và thế kỷ bản lề mở ra nền độc lập: Đôi điều suy nghĩ (Nguyễn Võ Cường

Có thể nói, cuốn sách “Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc” do TS Khúc Minh Tuấn làm chủ biên đã mang lại cho gia tộc họ Khúc Việt Nam niềm tự hào lớn, bởi cuốn sách giúp chúng tôi hiểu hơn về công nghiệp Trung hưng của Tam Khúc chúa gắn với thế kỷ X, một thế kỷ bản lề của dân tộc. Đối với các nhà nghiên cứu, bạn đọc thì cuốn sách này sẽ mang lại cho họ nhiều thông tin quý để tiếp tục đóng góp thêm cho lịch sử dân tộc, đặc biệt là khoảng trống 1.000 năm Bắc thuộc.

 

Minh Đạo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều