|
|
Thật ra, việc sản xuất sứ Dứu Hạ Thái trên thế giới từ đầu đời nhà Tống đến đời Nguyên Chí Chính chưa bao giờ bị gián đoạn. Vì vào đầu đời Tống, tuy không được sản xuất ở Trung Quốc, thế nhưng kỹ thuật chế tác loại sứ này đã được các thương nhân vùng Trung Đông bí mật đưa từ đất nước Trung Hoa về vùng Tây Á, và phát triển nó tại đây. Nhờ vậy mà họ đã có quãng thời gian hơn 200 năm - tương đương với thời gian hơn hai thế kỷ tồn tại của Vương triều Tống quốc - để chế tác, phát triển loại sứ này. Chính họ là những nghệ nhân đầu tiên phát kiến và thành thục trong việc dùng ôxit bạc để tạo ra màu đỏ, và dùng khoáng chất Cobal để tạo ra hoa văn màu xanh dưới men. Họ đã liên tục sản xuất sứ Dứu Hạ Thái, và bán ra khắp các nước châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Loại sứ Dứu Hạ Thái được người Tây Á làm ra trong giai đoạn này hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng Mỹ thuật ở Washington (Mỹ). Các hiện vật được lưu giữ tại đây rất phong phú, bao gồm: khay thanh hoa, lọ hồ xuân màu đỏ thắm như ngọc lưu ly .vv.. Tuy nhiên, những vật phẩm sứ Dứu Hạ Thái được người Tây Á sản xuất trong giai đoạn này lại có chất lượng sứ không cao, do trong tự thân nó đã mang một yếu điểm vô cùng “chí mạng”. Vì sao?
Một nửa “bí kíp”
Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều đã trải qua giai đoạn lịch sử chế tạo đồ gốm. Thế nhưng, những trang lịch sử đầu tiên về chế tác đồ sứ, lại chỉ được viết duy nhất bởi người Trung Hoa. Bởi lẽ, thông thường sản phẩm sứ có được tốt hay không phụ thuộc vào các yếu tố chính sau đây:
1/ Phải có vùng nguyên liệu cao lanh tốt để chế tạo ra nó. Nguyên liệu làm sứ có tốt thì sau khi nung ra, sứ mới có độ cứng cao.
2/ Phải có kỹ thuật loại bỏ tạp chất trong khâu xử lý nguyên liệu để chế tạo men đá sứ tinh khiết nhất có thể. Sao cho khi chế tác ra sản phẩm, ta có được những phôi sứ tinh khiết nhất, từ đó mới có được loại sứ có quang trạch tươi sáng. Hiệu ứng này có đạt được hay không, một phần cũng do kỹ thuật phối chế men đá sứ đóng góp mà thành.
3/ Yếu tố cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất để làm nên sự danh giá của sứ Trung Hoa chính là bí quyết nung. Lò nung phải kín, giữ nhiệt tốt và sứ phải được nung ở nhiệt lượng 1.200*C trở lên. Chiếc lò hình rồng, huyền thoại về sự phát minh trong kỹ thuật nung sứ của người Trung Hoa đã giúp họ giữ vị trí gần như độc tôn trên thị trường gốm sứ thế giới trong một khoảng thời gian dài hơn 10 thế kỷ.
Người Tây Á có thể đem kiến thức chế tác, cùng những mẫu vật của dòng sứ Dứu Hạ Thái về bản quốc để tiếp tục chế tác và phát triển thêm. Nhưng bí mật về kỹ thuật luyện men đá sứ, cùng chiếc lò hình rồng, thì họ không thể chất lên lưng lạc đà, vượt qua sa mạc Gobi để tới Trung Đông.
Chính vì thực trạng thiếu đi hai bí quyết: 1/ Không nắm được kỹ thuật chế tác men sứ từ đá sứ, nên người Tây Á đã dùng loại men thiếc trong kỹ thuật chế tác sứ truyền thống của họ để làm ra đồ sứ. 2/ Thiếu đi kỹ thuật làm lò nung sứ ở nhiệt độ cao để cho ra loại sứ cứng có độ quang trạch tốt nhất, dẫn đến hệ quả là loại sứ Dứu Hạ Thái họ làm ra có chất lượng sứ không được tốt lắm. Cụ thể là nền trắng của sứ có màu mờ đục và độ quang trạch không cao (như hình dưới đây). Đây chính là yếu điểm “chí mạng” của loại sứ Dứu Hạ Thái được sản xuất ở vùng Tây Á vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 10-13.
Chỉ khi người Mông Cổ đem “đứa con lạc loài” này quy hồi bản quốc sau cuộc chiến chinh Tây vào gần cuối thế kỷ 13, thì nó mới có cơ hội kết hợp với người anh em song sinh đã ngủ quên trong hơn hai thế kỷ. Bằng sự kết hợp những thành tựu sử dụng nguyên liệu màu của người Tây Á, và kỹ thuật nung sứ của người Trung Hoa, sứ Dứu Hạ Thái mới thật sự khoác lên cho mình một bộ cánh huy hoàng, lộng lẫy, làm cho cả thế giới phải ngơ ngác, say xưa. Nó giống như tâm trạng của một người đi xa lâu lắm mới trở về quê, và bàng hoàng khi nhận ra cô bé con nhà bên, bây giờ đã trở thành một thiếu nữ yêu kiều, diễm lệ. Để rồi chỉ biết vừa ngỡ ngàng bối rối, vừa phải thảng thốt kêu lên: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ?”.
Dưới đây là một số hình ảnh về loại sứ đặc biệt này:
Nhà sưu tầm, nghiên cứu về gốm sứ cổ Thanh Quang