Tạo đột phá trong phát triển văn hóa

Quan tâm chăm lo, bồi đắp đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu của người dân trong hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa là cách thiết thực để văn hóa phát huy vai trò trong đời sống và thật sự trở thành “sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc”. Để làm được điều này rất cần sự đột phá trong phát triển văn hóa, chú trọng xây dựng những thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh của cộng đồng ở mọi vùng miền trên cả nước, đồng thời nâng tầm thương hiệu quốc gia bằng văn hóa.
Hình ảnh một buổi chiếu bóng lưu động. 
Bài 1: Những khoảng trống cần được lấp đầy

Theo số liệu thống kê, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện có 44 địa phương không có nhà hát, rạp chiếu phim. Rõ ràng nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân là cần thiết và chính đáng, nhưng nếu không có nhà hát, rạp chiếu phim, khán giả biết thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, sân khấu ở đâu? Thực tế này đã phần nào cho thấy sự thiếu hụt các thiết chế văn hóa tại nhiều địa phương, đặc biệt khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trong một lần đi công tác ở tỉnh xa, tranh thủ buổi tối tôi ghé vào rạp chiếu phim ngay giữa trung tâm thành phố. Mặc dù tọa lạc ở vị trí được ví như “khu đất vàng” nhưng rạp chiếu phim mang dáng vẻ xập xệ, tồi tàn, hiện diện lạc lõng trên tuyến phố thương mại sầm uất. Mặt trước của rạp là bức tường tróc lở, biển hiệu nhợt nhạt, nét có nét không. Bước vào bên trong là một khung cảnh hoang phế với các tấm pano nhầu nát, bụi và mạng nhện bám đầy, xếp chồng chéo ở cạnh lối đi, trên đầu là từng chùm dây điện cuộn thành búi, treo lơ lửng. Phòng chiếu phim bán vé cho khán giả vào xem thực chất là một hội trường có màn hình cũ kỹ treo phía trên và các dãy ghế, kiểu ghế gấp cơ động, xếp hàng ngang phía dưới, không đánh số thứ tự.

Bởi vậy, vé xem phim chỉ có duy nhất một loại, ai đến sớm được chọn chỗ đẹp, ai không may thấp bé nhẹ cân, chậm chân phải chấp nhận ngồi phía sau, vừa xem vừa phải nghển cổ hết cỡ. Cũng may hôm đó cả rạp chỉ có năm khán giả nên không ai che tầm nhìn của ai. Ban ngày phòng chiếu còn được tận dụng làm hội trường cho các cuộc hội họp, liên hoan để tăng doanh thu.

Đáng buồn đây không phải là chuyện hiếm gặp tại các tỉnh, thành phố hiện nay. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, có thời điểm một số rạp chiếu phim, nhà hát cũng bị sử dụng phần lớn diện tích làm nhà hàng, quán bia, quầy bar... khiến cho những địa chỉ văn hóa vốn có truyền thống lâu năm bỗng trở nên xô bồ, nhếch nhác, khán giả ngày càng kém mặn mà. Tuy nhiên, có người vẫn lạc quan cho rằng, “méo mó có còn hơn không” vì thực tế hiện nay một số địa phương thậm chí không có rạp chiếu phim nào.

Rạp Thanh Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) nổi tiếng một thời nằm giữa trung tâm thành phố giờ đóng cửa, bỏ hoang. 
Theo số liệu thống kê mới đây, hiện chỉ có 19/63 tỉnh, thành phố có nhà hát, rạp chiếu phim với các quy mô khác nhau, và có tới 44/63 tỉnh, thành phố không có nhà hát, rạp chiếu phim(1). Chưa kể, dù được treo biển là nhà hát, rạp chiếu phim, nhưng nhiều cơ sở bên trong xuống cấp nghiêm trọng, tường bị bong tróc, nứt nẻ, bàn ghế bị hư hỏng... nhưng chưa được sửa chữa.

Trong khi nhiều nơi thiếu thốn nhà hát, rạp chiếu phim, cơ sở vật chất lạc hậu, manh mún thì có nơi, rạp chiếu phim được đầu tư lớn nhưng đang bị dư thừa, lãng phí. Số liệu thống kê của Cục Điện ảnh cho biết, sau 10 năm, số lượng rạp chiếu phim trên cả nước tăng gấp hơn 10 lần.

Năm 2009, cả nước có khoảng 87 phòng chiếu phim thì đến năm 2018 cán mốc 922 phòng chiếu. Như vậy, căn cứ theo “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” đề ra chỉ tiêu 550 phòng chiếu phim vào năm 2020 thì dù chưa đến thời hạn nhưng con số này đã vượt rất xa. Số lượng rạp chiếu phim tăng chóng mặt, song điều đáng nói là khoảng 80% số rạp chiếu phim thuộc về các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong các trung tâm thương mại phức hợp và được xây dựng chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi dân cư có mức tiêu dùng khá cao.

Tuy nhiên, dù cùng một tỉnh, thành phố, trong khi người dân tại khu vực nội thành thỏa sức lựa chọn rạp chiếu phim với giờ chiếu đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khán giả, thì người dân khu vực ngoại thành chỉ biết “ngóng từ xa”. Vì thế mới có chuyện để được xem những bộ phim điện ảnh đang thu hút sự quan tâm của khán giả, không ít thanh thiếu niên phải lặn lội hàng chục cây số từ các vùng ven vào trung tâm thành phố.

Cá biệt, tôi có một người bạn là giáo viên ở Thái Bình, vì quá say mê ánh đèn sân khấu, nên mỗi năm đều lặn lội cả trăm cây số đi lên tận Hà Nội xem kịch. Xem ra, hành trình để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không đơn giản chút nào ngay cả với những người đam mê và có điều kiện. Việc “phủ sóng” rạp chiếu phim, nhà hát hoặc chí ít là tạo cơ hội cho người dân các vùng, miền xa xôi được thưởng thức, tiếp cận các tác phẩm điện ảnh, sân khấu đến nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Văn hóa là “món ăn” tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là khi đời sống vật chất của người dân ngày càng phát triển thì đời sống tinh thần càng cần được chú trọng và từng bước nâng cao. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng mất cân đối khá lớn trong hưởng thụ văn hóa nói chung và cơ hội tiếp cận, thưởng thức tác phẩm sân khấu, điện ảnh nói riêng giữa các vùng, miền đặt ra nhiều điều cần suy ngẫm.

Thực tế này cũng đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan để sớm tìm ra những giải pháp góp phần bảo đảm quyền bình đẳng của người dân trong lĩnh vực văn hóa. Xã hội hóa các thiết chế văn hóa là cần thiết, nhưng cũng không thể phó mặc, thả nổi việc mở rộng hệ thống rạp chiếu phim, nhà hát cho tư nhân, bởi bên cạnh các hoạt động mang tính giải trí, dịch vụ thì các thiết chế văn hóa này còn có chức năng thực hiện những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và một trong những mục tiêu được đề ra, là “Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Ở phần nhiệm vụ và giải pháp, Quyết định số 1909/QĐ-TTg xác định rõ: “Bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua các trung tâm văn hóa nghệ thuật cùng với các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, thư viện...”. Đây được xem là định hướng quan trọng của Chính phủ, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, hiệu quả trên thực tế.

Hiện nay, một số địa phương quá chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa. Hàng loạt trung tâm thương mại được xây dựng nhưng lại thiếu vắng địa điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, thiếu hệ thống rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện,... đáp ứng nhu cầu của mọi người dân. Có nơi, một số rạp chiếu phim, nhà hát bị xóa sổ, thu hồi đất, thay đổi công năng, hoặc trên nền đất vừa thu hồi mọc lên các tổ hợp thương mại giải trí.

Không phủ nhận lợi ích kinh tế từ mô hình kinh doanh này, nhưng phát triển kinh tế không phải và cũng không thể là mục tiêu duy nhất của xã hội. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng cần phải được tôn trọng và bảo đảm. Đối tượng hướng đến trung tâm thương mại chắc chắn sẽ khác với đối tượng tìm đến rạp chiếu phim, nhà hát. Các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật cần những không gian có tính chất chuyên biệt, đặc thù, do đó cần cơ sở vật chất được đầu tư tương xứng, phù hợp.

Tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đồng thời chỉ rõ “xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.

Điều này đang đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần nhanh chóng bắt tay vào thực hiện, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quan điểm chỉ đạo bằng những việc làm, hành động cụ thể, có tính đột phá, tránh bệnh phong trào, hình thức, góp phần gây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển về mọi mặt, trong đó có văn hóa.

Theo Báo Nhân dân

(1) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Điểm báo hoạt động ngành

văn hóa, thể thao và du lịch ngày 22/7/2022.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều