Đề án chỉ có thể hiện thực hóa được khi Hà Nội bảo đảm các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" (đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lần thứ 3.
Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.
Dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và Thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn.
Dù khẳng định cần thiết để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, song Đề án này đã và đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận cùng các chuyên gia. Anh Đỗ Đức Hùng (Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ việc thu phí vào nội đô còn nhiều bất cập bởi ngoài những người dân vào làm việc trong nội thành, còn lại là người đi du lịch, khám chữa bệnh, vận chuyển hành khách, hàng hóa... Nếu chúng ta áp dụng việc thu phí thì lúc đó giá cước vận chuyển sẽ tăng, giá cả các mặt hàng, dịch vụ cũng tăng theo… và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân".
Do đó, anh Hùng cho rằng, thay vì thu phí, thành phố Hà Nội cần tập trung phát triển giao thông công cộng. Khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người dẫn sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân…
Còn bác Nguyễn Văn M. (Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, với những người có thu nhập không khá giả, giờ phải trả thêm phí sẽ dễ có hiện tượng "lách" nộp phí bằng cách đi qua các đường, ngõ nhỏ không có trạm thu phí. Người có điều kiện hơn sẽ mua nhà vào phía trong vành đai để tránh trả phí thường xuyên hoặc những người có điều kiện thì họ cũng sẵn sàng trả phí để vào nội đô. Như vậy lại càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô.
Nhà ở khu vực huyện Thường Tín nhưng hằng ngày chị Bùi Thị Hoa đi làm tại quận Hai Bà Trưng. Chia sẻ về vấn đề thu phí ô tô vào nội đô, chị Hoa nói: "Đề án nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là rất ý nghĩa. Tuy nhiên tôi cho rằng cần xem xét nhiều mặt bởi nếu thu phí ô tô thì người dân có thể chuyển đi xe máy, chứ không vì thế mà lượng xe vào trung tâm Thành phố giảm đi. Có lẽ phải chờ đến khi hệ thống giao thông công cộng, nhiều tuyến đường sắt đô thị hoàn thành cùng việc hạn chế phương tiện xe máy… thì câu chuyện mới được mọi người đón nhận với góc nhìn khác".
Cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, một số đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Chính nhờ những chế tài kinh tế nghiêm khắc đó, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, ùn tắc giao thông cũng được kiềm chế, các chỉ số môi trường ở ngưỡng an toàn, tốt cho sức khỏe người dân.
Thực ra, việc thu phí phương tiện vào nội đô chúng ta chỉ áp dụng cho xe ô tô, cho nên có khả năng một số người đi xe ô tô có thu nhập cao sẽ vẫn tiếp tục đi xe ô tô chấp nhận trả tiền. Bên cạnh đó, một số người khác thì cũng có thể phải tính đến chuyện chuyển đổi từ ô tô sang xe máy. Việc chuyển từ ô tô sang xe máy cũng có một phần giúp kéo giảm ùn tắc giao thông trong một thời gian ngắn hạn trước mắt.
Tuy nhiên, về dài hạn thì ngoài việc từ bỏ chuyến đi hoặc là thay đổi thời gian đi lại của người dân cũng như các doanh nghiệp cũng sẽ có cân nhắc lựa chọn nếu việc thu phí phương tiện vào nội đô này được triển khai trong thực tế, tức là người dân có thể nghĩ đến chuyện chuyển nhà hoặc chuyển địa điểm thuê nhà đặt ở tại phía trong đường Vành đai 3 hoặc ra ngoài Vành đai 3…Cho nên việc thu phí phương tiện vào nội đô này nó có thực sự có hiệu quả lớn để kéo giảm ùn tắc giao thông hay không thì thật sự là rất khó.
"Tuy nhiên, người dân cần nhìn nhận rõ vấn đề, Hà Nội mới đang trong bước nghiên cứu, chưa áp dụng biện pháp thu phí như nói trên", chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung chia sẻ.
Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được.
Các chuyên gia đều cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô là một trong các giải pháp giảm ùn tắc căng thẳng hiện nay của Hà Nội khi lượng xe tăng quá nhanh trong khi hạ tầng không theo kịp. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ đây không phải "liều thuốc thần" giảm được ùn tắc, nhất là khi các bài toán căn cơ như hạ tầng giao thông còn chậm; mục tiêu di dời trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô hơn vẫn chưa hoàn thành…
Mặt khác, với lưu lượng phương tiện rất lớn hiện nay, thu phí ô tô vào nội đô nếu không thực hiện đồng bộ với giải pháp hạn chế xe máy thì sẽ dẫn đến một tác dụng ngược là người dân chuyển sang sử dụng xe máy để đi vào nội đô và khi đó, ùn tắc sẽ càng nhiều.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, Sở vẫn lắng nghe những ý kiến của người dân, cơ quan báo chí truyền thông về vấn đề này để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh đề án, chứ không áp đặt việc thu phí khi các điều kiện không cho phép.
Theo Diệu Anh/Báo Chính phủ