|
Hỗ trợ vốn vay cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh |
Theo đó, cùng với ngân sách nhà nước phân bổ cho mỗi địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì cần huy động tối đa các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động vốn để thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế. Việc khai thác, huy động được các nguồn vốn sẵn có của từng địa phương còn ít, quan điểm trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại. Hằng năm, ngân sách Nhà nước tăng trung bình từ 15 đến 20% nhưng lại phải đảm bảo cơ cấu ngân sách do Quốc hội quy định giữa đầu tư, thường xuyên, đảm bảo cơ cấu chi cho một số lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường; trong chi thường xuyên phải giải quyết những chính sách lớn như chi tiền lương, chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội.... Đồng thời, cùng một lúc ngân sách nhà nước phải cân đối thực hiện nhiều chính sách nói chung, chình sách với người nghèo nói riêng, nên việc bố trí nguồn vốn cho thực hiện chính sách giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng cao trong khi khả năng huy động vốn và nguồn vốn phục vụ nhiệm vụ này lại có hạn, vốn tín dụng ngân hàng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vay vốn của các đối tượng. Nguồn vốn huy động của ngân hành chính sách chủ yếu vẫn là từ nguồn ngân sách Nhà nước và chưa có cơ chế rõ ràng về thời gian, định mức phân bổ ngân sách, do đó việc huy động vốn luôn bị động.
Mặt khác, một số chính sách về giảm nghèo còn chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, nội dung, địa bàn... (Chương trình 135, Chương trình 30a đều có các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã thuộc các huyện nghèo, nội dung đầu tư cho cấp xã của Chương trình 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới), mặc dù không trùng về nguồn lực nhưng do định mức, cơ chế, cách thức thực hiện khác nhau nên khó khăn cho công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở, làm phân tán nguồn lực, làm giảm hiệu quả của chương trình. Có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo nên phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn ra khỏi diện nghèo của một bộ phận người nghèo; công tác đánh giá, rà soát, bình xét hộ nghèo hàng năm ở một số địa phương, cơ sở còn hạn chế...
Thực hiện huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo có mức sống trung bình năm 2022 để thực hiện các chính sách năm 2023; tập trung huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ nguồn lực sinh kế và xóa nhà tạm cho hộ nghèo và cận nghèo; các ngân hàng ưu tiên vốn cho hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở, vay vốn giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, huyện Phú Lộc phấn đấu giảm 231 hộ nghèo, tỷ lệ giảm còn 3,11%. Theo kế hoạch phân bổ giảm nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,99%. Sau khi tiến hành rà soát chiều thiếu hụt, các chỉ số thiếu hụt đối với từng địa chỉ hộ nghèo cụ thể, thì huyện đã phân thành các nhóm giải pháp hỗ trợ: Nhóm hộ cần hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; Nhóm hộ cần hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh; Nhóm giải pháp hỗ trợ mô hình sinh kế; Nhóm giải pháp về vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi; Nhóm giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề - giải quyết việc làm; Nhóm hộ cần hỗ trợ Bảo hiểm y tế;… Trên cơ sở đó, việc huy động các nguồn lực đầu tư được tập trung và hiệu quả hơn.
Sử dụng nguồn vốn tập trung đem lại hiệu quả cao
Tại tỉnh Bạc Liêu, để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giuai đoạn Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13, trong đó vấn đề trọng tâm là huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, khi thảo luận vấn đề này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra giải pháp đề nghị các địa phương, ngành chức năng trong quá trình rà soát phải xác định rõ nguyên nhân gây nghèo đa chiều. Có nhìn đúng nguyên nhân thì mới có thể đưa ra chính sách, biện pháp giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo. Thực tế cho thấy, nguyên nhân làm cho nghèo đa chiều thì nhiều, nhưng hiện nay chủ yếu gồm các vấn đề liên quan với nhau. Đó là lao động thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở… Chính vì vậy, việc triển khai các giải pháp giảm nghèo phải tính đến sự bền vững bằng cách tập trung đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Khắc phục tình trạng dạy nghề tràn lan, không phù hợp với nhu cầu cá nhân, nhu cầu lao động của thị trường, địa phương. Triển khai các mô hình giảm nghèo cũng gắn với mục tiêu phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của địa phương…
Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hiện còn 6,11% tỷ lệ hộ nghèo. Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao gồm, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, an ninh lương thực, nhà ở an toàn, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận nguồn thông tin có chất lượng, việc làm và bảo hiểm xã hội… Huyện triển khai các giải pháp đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí Trung ương, của tỉnh cân đối nguồn kinh phí địa phương phân bổ hàng năm thực hiện đạt kế hoạch đã đề ra. Thực hiện xã hội hóa nguồn vốn thực hiện Chương trình nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội để hỗ trợ có hiệu quả cho người lao động, người nghèo, hộ nghèo. Thực hiện huy động nguồn lực tại chỗ thông qua tạo việc làm công, tăng cường sự giám sát của Nhân dân nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường. Đồng thời mở rộng các hình thức kêu gọi, huy động nguồn lực để lồng ghép hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2022 còn 5,11% (Theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo.
Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Trong thời gian tới, để sử dụng và huy động tốt hơn các nguồn vốn, trước hết việc đầu tư và phân bổ nguồn vốn thực hiện chính sách giảm nghèo ở các huyện nghèo phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải;Llồng ghép, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách và tính khả thi trong bố trí nguồn lực thực hiện; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng xã hội cho công tác giảm nghèo; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, không minh bạch, làm thất thoát nguồn lực./.
Đỗ Thụy