|
Đồng bào dân tộc Hre ở Ba Tơ (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
|
Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, Ba Tơ hiện có 15 xã khu vực III và 03 thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện đến cuối năm 2023 là 26.177 hộ, 63.493 khẩu với hơn 80% là đồng bào dân tộc Hre. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, trồng trọt, làm nương rẫy, trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo 23,55%, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 96,4%; tỷ lệ hộ cận nghèo 11,7%, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm 92,9%.
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Ba Tơ đã được ngân sách nhà nước đầu tư hơn 600 tỷ đồng từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tơ, từ năm 2021 đến 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phân bổ cho địa phương 260.014,63 triệu đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển: 126.857 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 133.157,630 triệu đồng); tính đến 31/12/2023, đã giải ngân được 129.707,051 triệu đồng. Năm 2024, kế hoạch vốn giao thực hiện Chương trình, gồm cả vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang, là 308.194 triệu đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển: 87.008 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 221.186 triệu đồng); đến hết tháng 9/2024 đã giải ngân được 47.552 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện Ba Tơ thực hiện 2 công trình khu tái định cư tập trung; đầu tư 62 công trình đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng, trường học; hỗ trợ thiết chế các nhà văn hóa; đầu tư điểm đến du lịch tiêu biểu; khoán bảo vệ hơn 6.618ha rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 5 nhóm cộng đồng cho 82 hộ dân tham gia…
Về thực hiện Dự án 1, nguồn vốn ngân sách giao giai đoạn 2021 - 2023 là 33.612 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 30.396 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 3.046 triệu đồng, ngân sách huyện: 170 triệu đồng); địa phương đã giải ngân được 21.755.199 triệu đồng. Toàn huyện Ba Tơ đã hỗ trợ xây dựng 163 nhà ở (năm 2023: 29 hộ, năm 2024: 134 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề 206 hộ (năm 2023: 60 hộ, năm 2024: 146 hộ); thực hiện 9 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 734 hộ thụ hưởng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.055 hộ trong năm 2023, năm 2024 là 2.774 hộ. Đối với chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 54 hộ vay vốn, đạt doanh số 2.500 triệu đồng, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Đa phần các dự án thuộc vốn đầu tư cơ bản đã phát huy hiệu quả khi thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ dân sinh và mang lại tính bền vững cao, mặt khác các nguồn vốn đầu tư nhưng hỗ trợ trực tiếp để các hộ dân làm nhà ở cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống của người dân. Bên cạnh đó thì tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp dẫn đến kết quả thực hiện từ năm 2022 - 2024 không đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch giai đoạn; tình hình bổ trí vốn đối ứng đảm bảo tỷ lệ quy định theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đối với huyện còn nhiều khó khăn do nguồn thu của huyện hàng năm chưa đảm bảo.
Ngoài ra, do một số nội dung thuộc Chương trình không còn đối tượng hỗ trợ trong năm 2024 nên UBND huyện Ba Tơ đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi vốn và kéo dài sang năm sau (theo Báo cáo 454/BC-UBND ngày 16/10/2024). Trong đó, Dự án 1 đề xuất thu hổi 13.244 triệu đồng gồm: 8.810 triệu đồng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, 4.433,8 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Mới đây, huyện Ba Tơ đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chọn là địa phương thực hiện thí điểm và hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 11/3/2025. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Ba Tơ có khoảng 847 hộ cần được hỗ trợ. Cụ thể, số hộ cần xây mới nhà ở là 514 hộ, số hộ cần sữa chữa nhà ở là 333 hộ; mức hỗ trợ đối với xây mới là 60 triệu đồng/nhà; sữa chữa là 30 triệu đồng/nhà; tổng kinh phí dự kiến cần 40.830 triệu đồng. Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, Ba Tơ đã lập tức triển khai thực hiện công tác rà soát đối tượng trong diện được hỗ trợ xây dựng; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã; thành lập ngay Tổ xung kích tại các thôn có đối tượng được xét hỗ trợ để hỗ trợ giúp đỡ.
Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ba Tơ tiếp tục tăng cường đi kiểm tra thực tế tại các địa phương về tình hình thực hiện các dự án, đảm bảo quy trình từ việc lập kế hoạch chặt chẽ, giao trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo đôn đốc và kiểm tra, đánh giá. Những nội dung đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, có khả năng thực hiện và giải ngân được thì chủ động triển khai sớm để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt yêu cầu.
Nâng cao năng lực cán bộ phụ trách từng dự án để phổ biến, triển khai và giải thích cho người dân hiểu; công tác tuyên truyền phải tạo được sự đồng thuận của toàn dân, nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, dễ hiểu để người dân hiểu biết về các dự án, chính sách của chương trình, những người dân được hưởng lợi từ chương trình chủ động tham gia cùng thực hiện chương trình. Chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng vùng mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, để người dân được thực sự hưởng thụ thành quả của Chương trình.
Hải Phương