Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng, trung du, miền núi (thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ, phía Đông và phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội; có diện tích tự nhiên 1.231,76 km2, dân số 1.151.154 người. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính bao gồm 2 thành phố và 7 huyện với 136 xã, phường, thị trấn (thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc).
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 40 dân tộc thiểu số. Số lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 55.383 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường… Các dân tộc đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1997) đến tháng 8/2004, công tác quản lý nhà nước về dân tộc do Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện, đến tháng 9/2004, Ban Dân tộc và Tôn giáo được thành lập theo Quyết định số 2727/2004/QĐ-UB ngày 9/8/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, công tác quản lý nhà nước về dân tộc do Ban đảm nhiệm, thực hiện chức năng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về vấn đề này, cấp huyện có 4 huyện, thị được thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo (gồm Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên), cấp cơ sở do một cán bộ trong Uỷ ban nhân dân phụ trách (không có phụ cấp kiêm nhiệm), sau khi thực hiện Nghị định số 13 và Nghị định số 14 của Chính phủ công tác tôn giáo chuyển về Sở Nội vụ, ở tỉnh còn Ban Dân tộc, các huyện thị giải thể Phòng Dân tộc và Tôn giáo, công tác dân tộc chuyển về Văn phòng Uỷ ban nhân dân phụ trách, ở cơ sở vẫn giữ nguyên.
Căn cứ Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/2/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc có 1 huyện và 1 thị xã đủ điều kiện thành lập Phòng Dân tộc, 3 huyện còn lại (Lập Thạnh, Sông Lô, Bình Xuyên) công tác dân tộc được giao cho Văn phòng triển khai thực hiện. Mặc dù, có biến động về cơ cấu tổ chức nhưng từ khi thành lập đến nay đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, đồng thời xây dựng nhiều chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện nghị quyết, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách về xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về giảm nghèo và giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 15/12/2008 về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn từ năm 2009 đến năm 2010.
|
Ảnh minh họa: Vĩnh Phúc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Theo dó, Nghị quyết 34/2008/NQ-HĐND tỉnh, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm... Miễn thuỷ lợi phí cho nông nghiệp; hỗ trợ giáo dục mầm non; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hoá kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, chế độ phụ cấp đối với cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã... Tiếp đó, Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2011/NQ-HĐND, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ ưu tiên người nghèo trong học nghề, hỗ trợ học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, hỗ trợ vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Các chương trình, chính sách đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh nói chung và đặc biệt là Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là chương trình 135 (Giai đoạn I, II, III) đã được triển khai trên địa bàn tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn,...
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc có 11 xã, thành phố thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh không có xã Khu vực II, không có xã khu vực III và không có thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 (theo Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14/10/2021) được triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch)…
Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2022 - 2025. Năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 30/6/2022 về thực hiện Chương trình năm 2022. Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 9/2/2023 về thực hiện Chương trình năm 2023.
Về tổ chức quản lý, chỉ đạo Chương trình:
Cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025 để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc là cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Cấp huyện: Huyện ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện, thành phố để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, thành phố. Cơ quan thường trực Chương trình ở cấp huyện, có 1 huyện giao Phòng Dân tộc huyện (huyện Tam Đảo); 4 huyện, thành phố (Bình Xuyên, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) giao Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện là bộ phận theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình ở cấp huyện.
Cấp xã: Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã, thị trấn.
Trên cơ sở đó, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó là tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo đó, để triển khai hiệu quả nội dung của Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hỗ trợ xong cho 294 hộ có nhu cầu, trong đó có 42 hộ thiếu đất ở, 252 hộ đề nghị hỗ trợ phí, lệ phí làm thủ tục chia, tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu của dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai với những chỉ tiêu cụ thể và chỉ đạo các huyện, thành phố: Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên, Lập Thạch, Sông Lô căn cứ quỹ đất của địa phương, hạn mức đất ở phù hợp trên địa bàn để xem xét, quyết định giao đất cho các đối tượng.
Đối với đất ở, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ở những nơi có điều kiện về đất đai, các địa phương khẩn trương cải tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật, cấp đất ở cho hộ có nhu cầu. Ở các địa bàn không có điều kiện về đất đai thì sắp xếp, bố trí cho người dân ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép hoặc chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của địa phương. Đối với các hộ có nhu cầu chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì Ủy ban nhân dân huyện bố trí kinh phí của huyện để hỗ trợ làm thủ tục.
Về nội dung hỗ trợ đất sản xuất, hiện tỉnh Vĩnh Phúc không còn quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng, do đã thực hiện giao đất cho các hộ, cá nhân sử dụng lâu dài theo Nghị định 64 của Chính phủ nên thực hiện bằng hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề và vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành đào tạo nghề cho 515 người có nhu cầu học nghề và 317 hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Song song với việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quyết liệt triển khai các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bố trí 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới.
Để triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm xuống dưới 1%, đến hết năm 2025 phấn đấu bằng với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh. Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu này, Vĩnh Phúc tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đồng bằng trong tỉnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện. Cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu quy định theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đối với tỉnh Vĩnh Phúc đều đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu yêu cầu. Trong đó, chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cuối năm 2023 của tỉnh đạt khoảng hơn 53,5 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2022 (năm 2022 đạt 51,6 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 1,34% (số hộ nghèo là dân tộc thiểu số còn 282 hộ).
Các dự án thành phần của Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh hiện nay, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, vùng nông thôn của tỉnh có mức cao hơn so với quy định của Trung ương; các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội,… được triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu thực hiện công bằng xã hội. Hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh luôn ổn định, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong những năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đời sống ở vùng đồng bào dân tộc được cải thiện một bước, bộ mặt kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc đã được thay đổi rõ rệt. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, nền kinh tế nhiều thành phần bắt đầu được hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác xoá đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Trong đó, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của cơ sở, ban, ngành các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu quả, nhiều địa phương đã năng động sáng tạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tạo nên sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, phát triển văn hoá - xã hội, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
TRỊNH QUANG CẢNH - Tiến sĩ,
nguyên Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc