Bản Mạ, Thanh Hóa vươn lên nhờ mô hình du lịch cộng đồng

(Mặt trận) - Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60km, bản Mạ thuộc huyện Thường Xuân được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan xanh mát quanh năm, những nếp nhà sàn bình yên bên sườn núi và văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái. Tận dụng lợi thế này, bản Mạ đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa theo hướng phát triển xanh, bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là giải pháp xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây.

Chiếc cầu treo bắc qua sông Chu

Bản Mạ chỉ có 57 hộ dân, với 246 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, bản Mạ nằm biệt lập bên dòng sông Chu, người dân phải dùng bè mảng làm phương tiện vượt sông ra ngoài. Khi đó, cuộc sống của đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, đa phần là hộ nghèo. Từ năm 2016, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chiếc cầu treo bắc qua sông Chu kết nối bản Mạ với trung tâm huyện Thường Xuân và Khu di tích đền Cửa Đạt được hoàn thành và đưa vào sử dụng, bản ngày càng hút khách tới thăm quan, du lịch. Đặc biệt, bản là một trong hai địa điểm được huyện Thường Xuân chọn làm điểm du lịch cộng đồng, đây chính là bước đột phá quan trọng giúp cuộc sống của đồng bào DTTS của bản bước sang một trang mới. Theo thống kê tới giữa năm 2023, bản Mạ đã đón được gần 38.000 lượt du khách. Đến nơi đây, khách du lịch sẽ được hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, những thửa ruộng bậc thang, tham quan 30 ngôi nhà sàn cổ vẫn được bảo tồn và gìn giữ, tìm hiểu các phong tục tập quán của địa phương và trải nghiệm các hoạt động truyền thống của đồng bào như dệt vải, xe tơ, trồng lúa… Bên cạnh đó, những món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nơi đây như canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, rêu đồ… cũng vô cùng hấp dẫn đối với thực khách.

Được sự chỉ đạo và hỗ trợ của huyện, đồng bào địa phương trước đây chỉ biết làm nông nay đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nắm được định hướng phát triển và tham gia các lớp đào tạo về dịch vụ du lịch cộng đồng do huyện tổ chức. Đến nay đã có 5 hộ dân vay vốn ưu đãi của Ngân hàng để đầu tư xây dựng homestay đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Tiên là một trong những hộ tiên phong khai thác du lịch cộng đồng ở bản Mạ. Nhận thấy nhu cầu lưu trú của khách tham quan ngày càng tăng, gia đình ông Tiên đã sửa chữa lại 2 ngôi nhà sàn truyền thống, tạo cảnh quan xung quanh để phục vụ khách du lịch. Hay gia đình anh Lữ Văn Tính, từ một gia đình thuần nông, cuộc sống chồng chất khó khăn nhưng từ khi tiếp cận được chính sách ưu đãi của Nhà nước, gia đình anh Tính đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng 2 căn nhà sàn với 3 phòng ăn, 3 phòng nghỉ, có sức chứa khoảng 50 mâm khách một lượt. Mô hình lưu trú của gia đình anh Tính đã thu hút được đông đảo du khách, từ đó cuộc sống của gia đình đã khấm khá hơn, đồng thời còn tạo được công ăn, việc làm ổn định của một số lao động địa phương.

 

Nhiều hoạt động hấp dẫn du khách tại bản Mạ

Thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở bản Mạ có phần không nhỏ của công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương. Được lực lượng Công an tuyên truyền, đến nay, bản Mạ đã vận động xã hội hóa phát triển mô hình “Camera giám sát ANTT” với hơn 60 camera được lắp đặt ở các gia đình và khu vực công cộng. Đồng thời, công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở lưu trú ở bản cũng được quan tâm sát sao. Chính vì thế, người dân địa phương yên tâm sinh sống và kinh doanh, khách du lịch cũng yên tâm khi tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Xuân, trong những năm qua công tác phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể: công tác đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các điểm du lịch từng bước được đầu tư, hoàn thiện; hệ thống mạng lưới điện chiếu sáng, mạng viễn thông được phủ khắp giúp du khách thuận lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin du lịch. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, trên địa bàn huyện đang thực hiện 6 quy hoạch về du lịch; các quy hoạch hoàn thành đã tiến hành công bố và đưa vào quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Du lịch. Bên cạnh đó, để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhằm cụ thể hóa đề án và quảng bá du lịch địa phương, huyện đã tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch huyện Thường Xuân vào các năm 2019 và 2022. Cùng với đó, đã và đang tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tiến hành các hoạt động khảo sát điểm đến, tour, tuyến; tham vấn phát triển du lịch; xây dựng chương trình tour và ký kết hợp tác với doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, huyện đã xây dựng 2 tour du lịch trọng điểm gồm: Khám phá hồ Cửa Đạt - thác Yên - Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Khu di tích lịch sử Lam Kinh - đền Cửa Đạt - bản Mạ - hồ Cửa Đạt - nông trại Goldencow. Cùng với đó, huyện đã xây dựng và phát triển, quảng bá các sản phẩm truyền thống đặc trưng của từng địa phương để phục vụ du khách; khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái; hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch, như: Chỉ dẫn địa lý cây quế Ngọc và các sản phẩm từ quế; mật ong Yên Nhân; thuốc Nam chữa bệnh; xây dựng các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn OCOP...

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều