Bảo Lâm (Cao Bằng): Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc

(Mặt trận) - Nằm ở vùng miền núi biên giới phía Bắc, Bảo Lâm là huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng với hơn 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ. Những năm qua, triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình), cơ sở hạ tầng của huyện được quan tâm đầu tư,  đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng nâng cao.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở khang trang hơn (Nguồn baochinhphu.vn)

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chăm lo của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương, đến nay kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Bảo Lâm có nhiều khởi sắc. Những thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm là nâng cấp cơ sở hạ tầng điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, trạm giao thông, nước sạch… được đầu tư xây dựng, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Theo báo cáo của huyện Bảo Lâm, những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được chú trọng thực hiện nhằm ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Với mục tiêu đào tạo nghề gắn vối giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân. Đến năm 2024, huyện đã mở được 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 440 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia. Giải quyết việc làm cho 450 lao động, trong đó có 150 người là đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, nhờ vậy đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày được nâng cao. Từ 2019 - 2023, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là 333 căn, trong đó 219 căn xây mới và sửa chữa 114 căn.

Huyện Bảo Lâm cũng đã triển khai tích cực và có hiệu quả chính sách vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng đã tạo thêm công ăn việc làm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 3,73%, hộ cận nghèo là 5,91%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bảo Lâm có 154 thôn thuộc 5 xã được đầu tư từ Chương trình. Tổng số vốn được đầu từ khoảng 45,6 tỷ đồng. Năm 2022, huyện được đầu tư 6 tỷ đồng cho Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ nhà ở và 2 tiểu dự án là đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Năm 2023, tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ thực hiện 3 Chương trình MTQG của huyện Bảo Lâm giai đoạn 2021 - 2025 là 339,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 203,14 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản năm 2024, thực hiện 67 công trình; các công trình được lấy trong vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với vốn sự nghiệp: việc lập dự toán nhu cầu hàng năm đều có sự thống nhất, bình xét của người dân. Đối với hạng mục sửa chữa duy tu, bảo dưỡng hàng năm huyện giao vốn cho UBND xã, thị trấn thực hiện sửa chữa các công trình, hư hỏng, xuống cấp, đã được đầu tư từ giai đoạn trước thực hiện tính đến thời điểm hiện tại đã sửa chữa được 16 công trình, hiện nay đang triển khai 11 công trình.

Đối với nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tổng số đối tượng là hỗ trợ cho 3088 cái téc nước cho 3.088 hộ nghèo, hiện nay đã cấp được 1.557 cái téc, hiện nay đã rà soát xong nhu cầu hỗ trợ 1.531 hộ, đang trong quá trình thẩm định đối tượng 1.531 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề 130 hộ nghèo. Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất hỗ trợ cộng đồng, tổng số dự án đã và đang triển khai là 167 dự án, (trong đó số dự án đã hoàn thành là 88 dự án, số dự án đang triển khai là 79 dự án) các dự án sau khi hoàn thành cấp cho 5.130 hộ (trong đó hộ nghèo 3.075 hộ, hộ cận nghèo 2.055 hộ).

Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, huyện Bảo Lâm đã và đang tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Trong năm 2021 - 2023, huyện sửa chữa 613 nhà, trong đó, xây dựng mới 363 nhà có vốn đối ứng; thi công 35 nhà; khởi công mới 72 nhà; hoàn thành 201/363 nhà có nguồn đối ứng.

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ hơn 107 tỷ đồng cho 3.387 hộ gia đình, đạt trên 47,5% kế hoạch. Trong đó nhiều nhất là huyện Bảo Lâm giải ngân được 32,5 tỷ đồng hoàn thành 865 nhà. Trong năm 2024, huyện Bảo Lâm đặt mục tiêu hỗ trợ trên 1.200 hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà ở tạm, dột nát. Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương đang quyết liệt vào cuộc để hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Do đặc thù là huyện nghèo, hạ tầng cơ sở còn nhiều thấp kém so với các huyện trong tỉnh, vị trí xa xôi, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh nên nhu cầu đầu tư các dự án trên địa bàn rất lớn. Để khắc phục những khó khăn về việc phân bổ vốn và các dự án đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, huyện đã chủ động lồng ghép các hợp phần, nguồn vốn dự án để tránh chồng chéo nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đối với những công trình phục vụ phát triển sản xuất và các hợp phần tạo sinh kế cho người dân.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện Bảo Lâm tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là vấn đề nước sạch, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại tạo sinh kế cho đồng bào. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Đặc biệt, phát huy tinh thần đoàn kết, tính chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng quê hương Bảo Lâm ngày càng giàu mạnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng để giữ vững quốc phòng – an ninh ở vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều