|
Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo. (Ảnh minh họa)
|
Nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Lễ hội là một phần không thể thiếu đối với văn hóa người Khmer: Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo, Lễ hội Phước Biển, Lễ hội Thắc Côn, Lễ Dâng hương liệt sĩ nhà sư yêu nước Achar Sơn Thal… Trong đó, lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo hay còn gọi là Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất của đồng bào Khmer. Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm, thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho phum, sóc.
Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ook Om Bok, đây là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, Với đồng bào Khmer, ghe Ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa làm, có một biểu tượng riêng. Việc chọn biểu tượng ghe Ngo liên quan đến địa danh, hay quan niệm truyền thống của mỗi chùa. Biểu tượng ghe đại diện cho một tổ chức, thể hiện quyền uy của chiếc ghe.
Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer đã trở thành một ngày hội lớn để mọi người vui chơi, tranh đua tài nghệ, sức mạnh với nhau, là một nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước miền Tây cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
Năm 2005, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe được tổ chức Guinness trao quyết định và bằng công nhận là tỉnh có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công nhận Lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, vừa giáo dục giới trẻ về lối sống tích cực của người Khmer.
Cùng với các lễ hội đặc sắc, nhạc ngũ âm cũng là một nét văn hóa độc đáo, gắn bó với đời sống tinh thần của người Khmer và được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ. Nội dung và ý nghĩa của những bài, bản sử dụng trong dàn nhạc Ngũ âm xuất phát từ Phật giáo nên luôn mang tinh thần giáo dục, khuyên răn con người hướng tới những điều tốt đẹp. Nhạc Ngũ âm đã trở thành nét văn hóa gắn bó mật thiết và in dấu sâu đậm trong tâm thức và đời sống sinh hoạt của mỗi người Khmer từ khi còn thơ bé đền lúc rời xa cuộc đời.
Vào những ngày tết cổ truyền và những ngày lễ quan trọng của đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm thường được biểu diễn để hỗ trợ cho các điệu múa. Những điệu múa của đồng bào Khmer thêm phần uyển chuyển hơn nhờ những âm thanh trầm bổng của nhạc ngũ âm. Đặc biệt, trong các bài múa cổ và các bài hát, các vở diễn trong sân khấu dù kê, rô băm…, nhạc ngũ âm càng góp phần tạo nên nét riêng, sinh động của âm nhạc truyền thống. Sự kết hợp giữa các động tác múa, màu sắc trang phục, ánh sáng cùng âm thanh bổng trầm của nhạc cụ ngũ âm đã tạo nên một điểm nhấn đặc sắc rất riêng của nhạc ngũ âm.
Nhạc Ngũ âm của người Khmer không chỉ thể hiện sự tiếp thu, du nhập các yếu tố và giá trị văn hóa từ bên ngoài vào, mà còn phản ánh rất rõ sự tiếp biến và dung hòa cho phù hợp với môi trường và tính cách của tộc người. So với ở các địa phương khác cũng như các nước xung quanh, điển hình là so với sự chặt chẽ, chuẩn mực, khuôn mẫu của nhạc Ngũ Âm ở Campuchia, phong cách trình diễn của các nhạc công trong dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng dường như linh hoạt và ngẫu hứng hơn. Các nhạc cụ trong dàn nhạc ở nơi đây dù cơ bản vẫn giữ được hình dạng cấu tạo và chức năng chính so với nguyên gốc, nhưng cũng không thể phủ nhận chúng ít nhiều có sự cải tiến và điều chỉnh so với trước. Người nghệ nhân Khmer ở Sóc Trăng đã thực hiện việc chỉnh lý cấu tạo các nhạc cụ để chúng phối hợp hòa tấu với các loại nhạc cụ mới, hiện đại của phương Tây khi tham gia vào một số sinh hoạt mới của đời sống hiện đại. Điều này đã tạo nên nét riêng, mang tính đặc trưng văn hóa của loại hình nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer ở Sóc Trăng. .
Ngày 20/12/2019, Nghệ thuật trình diễn dân gian "Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng" được công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.
Múa Rom Vong của người Khmer. Ảnh: vansuadia.net
Bên cạnh đó, múa Rom Vong cũng là một thực thể văn hóa quan trọng trong các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Múa dân gian Rom Vong có quan hệ mật thiết, ảnh hưởng tới kiến trúc, hội họa và đời sống tinh thần thể hiện qua việc được múa ở chùa, nơi tu tập, điểm đến hàng năm của cư dân trong vùng. Hơn thế nữa, múa Rom Vong còn là sợi dây kết nối cộng đồng, giúp mọi người giao lưu, đoàn kết, gắn bó nhau hơn trong cuộc sống. Vào những dịp diễn ra các lễ hội, hay các hoạt động cộng đồng, không chỉ có đồng bào Khmer múa mà cả các dân tộc anh em khác như người Kinh, Hoa, Ba Na, M’ Nông, Gia Rai…cùng hòa mình vào điệu múa dân gian tươi vui này, thể hiện sự lan tỏa văn hóa, khả năng thu hút của điệu múa với tất cả mọi người.
Với giá trị tiêu biểu, múa Rom Vong của người Khmer đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4601/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/12/2019.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập
Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như: khán đài, bờ kè đường đua ghe Ngo (thành phố Sóc Trăng); khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội Cúng Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu);… và nhiều công trình văn hóa khác.
Tiếp tục triển khai các dự án, đề án, chương trình được đầu tư gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khôi phục lại một số loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một: Nghệ thuật sân khấu Rô Băm, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật...
Song song với đó, tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ tàu lầu cấu cho 20 học viên; mở lớp dạy múa cho Câu lạc bộ Múa gáo dừa ở huyện Châu Thành; dàn dựng 4 chương trình biểu diễn: múa rom vong, múa gáo, múa trống sa dăm, hòa tấu nhạc ngũ âm, tổ chức lớp truyền dạy hát tuồng cho 30 người; hỗ trợ thiết bị âm thanh, nhạc cụ phục vụ hoạt động cho các đội văn nghệ chùa Bốn Mặt, chùa PeangSomath, chùa Chruitimchas.
Tỉnh cũng tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong quá trình hội nhập, bên cạnh việc học hỏi những tiến bộ của thế giới thì vẫn phải gìn giữ bằng được văn hóa truyền thống: trang phục, một số điệu múa dân tộc.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát, điền dã sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật nhằm bổ sung và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; tổ chức mở lớp dạy múa Rom vong cho cán bộ các sở, ngành. Cùng với đó, Sở phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Sóc Trăng thu hình các chương trình ca múa nhạc phát sóng phục vụ bà con vùng đồng bào Khmer Nam Bộ. Mặt khác, xây dựng các chương trình ca múa nhạc mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Khmer, tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh cũng như công diễn cho người dân tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế ưu đãi khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm khai thác và tổ chức lễ hội; sửa chữa trùng tu tôn tạo di tích; tích hợp với các chính sách phát triển du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác, quảng bá về văn hoá, lễ hội độc đáo, vùng đất, con người của tỉnh Sóc Trăng.
Nâng cao ý thức của giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer.
Hà My